7 thg 9, 2011

Sự thức dậy của quá khứ

                                     
Cô quen Hưng tình cờ trong quán rượu, khi cô lánh xa tất cả bạn bè, che dấu sự nông nổi đến dại khờ của mình. Cô đã kể cho Hưng nghe về sự đổ vỡ trong tình cảm của mình, không dấu một chuyện gì kể cả chuyện mình không còn là con gái. Cô kể để cho vơi đi nỗi tủi nhục, hổ thẹn của một kẻ đã đánh mất cái đáng giá hơn cả ngàn vàng và không bao giờ nghĩ có ngày gặp lại Hưng. Cô chỉ có một lỗi duy nhất với người ấy, đó là trong lần trao thân đầu tiên, cô gọi tên anh...
                         Sự thức dậy của quá khứ
                                                 truyện của Vũ Thu Huế
        1.
-A lô! Văn phòng công ty xin nghe!
-Alô! Chị làm ơn cho tôi gặp Thái Phương!
-Dạ! Thái Phương nam hay nữ ạ?
-Tôi muốn hỏi cô Thái Phương người Bắc!
-Dạ, tôi - Phương xin nghe!
-Em là Phương sao?
-Dạ, xin lỗi! Ai ở đầu dây đó ạ?
-Anh Duy Nhất trưởng lớp V32 này!
-Là anh ư?
Một cuộc trao đổi, chuyện trò diễn ra trong sự ngạc nhiên, xúc động, lẫn cả tiếng cười nói và tiếng húng hắng ho. Trong khoảng 15-20 phút, cả hai đã kịp thông tin về cuộc sống hiện tại của mình. Họ đều đã có vợ (chồng), có con, có một điểm dừng chân mỗi khi mỏi mệt. Cuộc sống là vậy. Không ai sống mãi cùng quá khứ nhưng lại không thể ngăn quá khứ trở về.
Đêm. Thái Phương không ngủ. Ôm chặt con vào lòng mà vẫn không tránh khỏi những suy nghĩ vẩn vơ. Cũng đã mười năm có lẻ rồi. Phương chưa phải là quên nhưng cô đang sống cho hiện tại và tương lai. Phương không muốn chồng buồn bởi nếu ngày ấy, không có Hưng, chắc tới giờ cô vẫn chìm đắm trong chán chường, khổ đau, bế tắc. Phương còn nhớ như in cái ngày cách đây đúng ba năm, cô cứ như một cơn gió cuốn theo dòng lốc xoáy là Hưng từ việc ra mắt, ăn hỏi tới chính thức làm lễ cưới không quá mười ngày. Về sống với Hưng rồi mà cô vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Cô quen Hưng tình cờ trong quán rượu, khi cô lánh xa tất cả bạn bè, che dấu sự nông nổi đến dại khờ của mình. Cô đã kể cho Hưng nghe về sự đổ vỡ trong tình cảm của mình, không dấu một chuyện gì kể cả chuyện mình không còn là con gái. Cô kể để cho vơi đi nỗi tủi nhục, hổ thẹn của một kẻ đã đánh mất cái đáng giá hơn cả ngàn vàng và không bao giờ nghĩ có ngày gặp lại Hưng. Cô chỉ có một lỗi duy nhất với người ấy, đó là trong lần trao thân đầu tiên, cô gọi tên anh. Nếu là anh, liệu anh có xử sự như thế và có chấp nhận cô như Hưng không?
2. -Alô! Văn phòng công ty xin nghe!
-Chào em! Em khỏe chứ Phương?
-Dạ!
Vậy là, Phương đang được nghe một giọng nói mà cô đã cất sâu trong tiềm thức- cái chất giọng trầm ấm mà cách đây 13 năm, à phải, 13 năm, 10 tháng, 3 ngày, ngày nào không được nghe, cô trở nên buồn bã và không thiết làm một việc gì. Cô nhớ ngày đầu tiên khi anh bước chân vào lớp với đôi mắt biết cười và trong trang phục bộ đội, cô đã dài  môi: "Chà, một chú lính lạc mẹ!". Anh không giận, cứ tiến lại gần: "Anh ngồi chỗ này nghe bé!". Cô dương mắt, mím môi nhưng lại thích thú ngồi gọn sang một bên. Thầy chủ nhiệm phân công anh làm lớp trưởng. Còn trong lần đại hội chi đoàn, không hiểu thế nào, cô trúng chức bí thư. Từ đó, hai người cặp kè như hình với bóng, hết họp hành tới xoay ra bàn xem làm cách nào để chi đoàn vững mạnh, lớp tiên tiến xuất sắc. Cứ như thế cho tới hết năm thứ nhất.
Rồi tới ngày cô gặp lại mẹ đẻ- người đàn bà sau 17 năm cô mới tường mặt. Ngày sinh cô, bà đã bỏ cô lại để đi theo một người đàn ông khác. Cô sống cùng nội và may mắn được người phụ nữ bên nhà nhận làm con nuôi. Mẹ cô tới ký túc xá kể lể, khóc lóc trước mặt bao nhiêu người. không chịu nổi, cô bỏ đi, lang thang dọc sông Trà. Chính anh là người tìm cô về, động viên, an ủi. Rồi tới ngày anh đau khổ khi nhận ra rằng người con gái anh yêu không hề yêu anh, chị chỉ cần anh giúp trong những kỳ thi. Anh la cà bên quán rượu. Biết chuyện, cô đi tìm anh. Từ đó, hai người trở nên thân thiết.
Rồi tình cảm cứ lớn dần theo ngày tháng. Nhưng tình cảm ấy chưa được bày tỏ thì đã gặp bao lời cấm đoán của gia đình cô. Không hiểu lý do gì mà những người ruột thịt của cô lại không ưa anh đến thế. Không đồng ý là không đồng ý. Chú cô đã mất đứt một tuần liền, vào các buổi chiều từ 16 đến 18 giờ lên trường dẫn cô về nhà để phân tích cho thấu tình đạt lý giữa cái được và cái mất khi yêu anh. Trước những lý lẽ ấy, trong cô càng nhân lên những quyết tâm yêu anh cho bằng được. Ngày cô nói lời yêu, anh đã vụng về đặt tay cô nơi trái tim mình, siết mạnh. Thề là yêu nhau. Trong những năm vẫn còn bao cấp ấy, hai người chỉ có tấm lòng và những trang nhật ký. Khi có cơ hội, thường là dịp cuối tuần, lúc cô nói với người nhà là phải ở lại trường để chuẩn bị bài tập, anh chở cô đi chơi, loanh quanh trong cái thị xã nhỏ như lòng bàn tay và điểm dừng thường là nhà anh, một mái nhà xiêu vẹo nằm nép sát ở góc cuối thị xã, lọt thỏm sau những hàng rào kẽm gai- ranh giới giữa nhà anh và khu vực nghĩa trang. Leo lét trong căn nhà ấy là một mẹ già và ba người chị đứng tuổi vẫn chưa lấy được chồng. Trước cảnh đó, một đôi lần cô nghĩ: Không biết lấy anh, cuộc đời cô sẽ ra sao. Nhưng rồi ý nghĩ đó vụt qua đi rất nhanh, bởi trong trái tim cô lúc nào cũng lấp lánh giọng nói, nụ cười và ánh mắt của anh.
3. -A lô! Văn phòng công ty xin nghe!
-A lô, Phương à, hôm nào anh sẽ tới thăm em và gia đình!
-Dạ, em mời anh!
Tại sao anh không nghĩ tới việc tìm cô sớm hơn? Trong suốt 10 năm ròng, cô đã từng mong nhận được những lời như thế biết bao nhiêu. Khi cô đi học thêm hai năm ở Hà Nội, có ngày nào cô không chờ anh? Để khỏa lấp những chờ mong ấy, đêm nào cô cũng viết thư cho anh, sáng nào cũng chạy ra điểm bưu điện sau trường gửi thư cho anh. Cô gửi thư nhiều đến nỗi, chị nhân viên bưu điện quen mặt, biết tên rồi thuộc cả địa chỉ của anh. Rồi, tháng một lần, cô tranh thủ thứ 7 và chủ nhật về thăm anh. Còn anh? Ngoài viết thư, chưa một lần anh có cuộc hành trình 150 km để tới bên cô, để đem cho cô khái niệm đang yêu và được yêu. Trong khi đó, xung quanh cô có bao nhiêu chàng trai học hành tử tế, nghề nghiệp ổn định ngay tại Hà thành. Những phút giây cô xao lòng là những giờ phút cô mong sự hiện hữu của anh, bằng xương bằng thịt, không phải qua những trang thư mà không cần bóc cô cũng đã thuộc nằm lòng: "Em thân yêu. Nhận thư em, anh rất vui và rất nhớ em. Công việc ngày nào cũng nhiều...". Cô thèm được nghe anh nói, thèm được nhìn sâu vào mắt ah để biết cô có vị trí như thế nào trong trái tim anh. Vậy mà anh, cũng vẫn những lời lẽ cũ, không đem đến cho cô một hi vọng nào. Buồn bã, mệt mỏi, cô quyết định không gửi thư cũng không về thăm anh nữa. Nỗi nhớ anh, cô gửi cả vào nhật ký. Không nhận được thư của cô, anh cũng im lặng. Cô còn nhớ như in cái cảm giác một mình vào những chiều và tối thứ bảy, trèo lên sân thượng, nhìn ra phía cổng trường, mong mỏi trông thấy anh. Cô gầy đi trông thấy. Rồi sinh ốm. Rồi tai nạn xe máy. Xuất viện sau hơn 3 tháng, việc đầu tiên cô làm là tìm trong đám thư từ, có lá nào của anh. Anh vẫn im lặng. Sự im lặng đã làm cô thêm dằn vặt, đớn đau. Đã bao lần cô xách ba lô ra bến xe, mua vé nhưng rồi đều trả lại. Cuối cùng, sau hơn năm tháng, cô trở về và nói với anh lời chia tay. Anh lại tiếp tục im lặng. Như là tuyệt vọng, cô đã từng lang thang tới sáng không biết bao nhiêu đêm, chấp nhận bao lời chọc ghẹo của những kẻ vô công rỗi nghề. 10 năm sau, cô nhận lời tỏ tình của một người cùng quê. Rồi tủi hổ đã đến với cô. Nếu không có Hưng thì không biết giờ đây cô thế nào, có ngồi ở nơi này mà nghe điện thoại của anh không...
Một tháng đôi lần, anh cứ đánh thức cô dậy trong ký ức ngọt ngào thì ít mà buồn thương thì nhiều. Như một phản xạ có điều kiện, thi thoảng cô cũng gọi điện cho anh để được nghe giọng nói trầm ấm, để được biết về cuộc sống hiện tại của anh, để biết về người phụ nữ của anh. Và, cô cũng muốn mình có được câu trả lời cho một câu hỏi lúc nào cũng chảy trong hơi thở cô: Đó là vì sao anh đối với cô như thế trong suốt ngần ấy năm. Vì sao tới giờ, khi anh luôn mong có sự bình yên thì lại đánh thức con mạnh mẽ, dám làm, dám chịu của một người đàn bà là cô. Vì sao?
4. -A lô! Văn phòng công ty xin nghe!
-A lô, Phương à, em đang làm gì thế?
-Dạ, xin lỗi anh, em đang dở chút việc!
-Ừ thôi, em làm việc đi, lúc khác anh gọi lại!
-Không, anh đừng gọi. À, ý em là em đang chuẩn bị đi công tác dài ngày...
Phương buột miệng nói dối một cách trơn tru. Dập điện thoại xong, cô ngồi bần thần một đỗi, không thôi nghĩ ngợi về những lời vừa rồi của mình. Ừ nhỉ, lâu lắm rồi cô không đi khảo sát cơ sở. Cũng tại lấn quấn chuyện con gái. Bây giờ, chẳng biết đã yên tâm để con ở nhà với bà nội mà đi được chưa. Bất ngờ, chuông điện thoại lại reo. Là Hưng. Hưng nói trưa anh phải tiếp khách hàng, không về, cô chịu khó đi ăn với mọi người cùng văn phòng. Cô cười, rồi  bất ngờ con cà con kê sang chuyện đi công tác. Hưng cũng cười, đồng ý. Vậy là, gom hết mọi buồn vui, lo lắng, mọi vẩn vơ suy nghĩ, cô bắt tay vào việc chuẩn bị cho một chuyến đi cơ sở dài ngày, từ việc trình dự án cho sếp duyệt tới việc nhờ vả mẹ chồng chăm con. Cô mong muốn sự vất vả của công việc sẽ kéo cô về với thực tại. Và chắc chắn rằng, tối tối, mỗi khi cô gọi điện về nhà, xen lẫn trong những âm thanh ồm ồm của Hưng, cô sẽ được nghe giọng nói trong trẻo, ngây thơ của con gái mình.

4 nhận xét:

  1. Chào Vũ Thu Huế ! Trong thời gian này mà Thu Huế vẫn viết đều đều thật khâm phục ! Lâu nay vì công việc nên không lên Blog, mới đây được biết Thu Huế vừa ra trận khải hoàn. KSG xin chúc mừng Thu Huế và chúc ba mẹ con vui khỏe hạnh phúc ! Chúc mừng truyện ngắn hay !

    Trả lờiXóa
  2. @ anh Kim Sơn Giang: em cảm ơn lời chúc của anh nhiều thật nhiều ạ. nhưng mà, đây là 1 cái truyện cũ, em đẩy lên cho đỡ trống thôi. lâu rồi, e chẳng viết được gì cho ra hồn...

    Trả lờiXóa
  3. Chúc mừng chị thêm một chuyện ngắn mới hay nữa, thật khâm phục chị vừa sinh em bé xong chị đã cho ra đời một "đứa con tinh thần" nữa. Chị tài quá. Xin chúc chị vui khỏe và hạnh phúc

    Trả lờiXóa
  4. @ Hà công Trường: nếu e đọc còm chị trả lời anh KIm sơn Giang thì em đã ko nói như vậy đâu, hê hê hê...

    Trả lờiXóa