29 thg 8, 2011

Ô ánh sáng

Cánh cửa sổ là ranh giới giữa ánh sáng khủng khiếp và bóng tối đáng yêu, giữa những eo hẹp của tình người và cái vô cùng tận của bầu trời. Chừng nào còn có những cánh cửa sổ thì ngay cả người nhỏ bé nhất thế gian sẽ còn phần tự do-Tự do trong ô-ánh-sáng của mình.

                             Ô ánh sáng
                                         Truyện của Vũ Thu Huế
Để tiện cho mọi việc của hai đứa, Liên bảo thế, mà đặc biệt là việc học của Loan, Liên rủ Loan cùng thuê chỗ ở ngoài. Liên còn bảo, năm thứ ba rồi, cũng nên ra ngoài cho đầu óc thanh thảnh, ở mãi trong ký túc xá chật chội của trường, thấy như ngày nào cũng phải ăn đồ nếp. Ở ngoài, có tốn kém một chút cũng không sao, Liên sẽ chịu phần nhiều cho. Loan lắc đầu, không thể nhìn nhận như thế, nhưng rốt cuộc cũng nhận lời. Nhưng nhất định việc Loan đồng ý ở cùng Liên không phải vì những lý do trên. Liên cười, sao cũng được, miễn là có Loan.
         Vậy mà đi năm lần bẩy lượt cũng chưa tìm được nơi ưng ý. Khu nhà này đã là nhà thứ sáu mà hai cô tìm đến trong hai ngày qua. Khu nhà gồm hai dãy, mỗi dãy năm phòng với cách bố trí cửa lệch nhau, chung hành lang, chung công trình phụ. Khi hai cô đến, chín phòng đã ăm ắp người, còn duy nhất một phòng cuối cùng có cửa ra vào sâu tít, phía góc cuối cùng của hành lang. Bà chủ ra chuyện phân trần: "Người ta là dân làm ăn, ai cũng muốn ở phía ngoài. Các cháu là sinh viên nên ở trong cho yên tĩnh, rất lợi cho việc học hành. Phòng lại có cửa sổ, thoáng mát lắm. Cứ ở rồi các cháu sẽ thấy gắn bó với nó. Cô nói nhỏ cho hai đứa biết: Người ta ở ngoài cô lấy tiền cao hơn đấy. Các cháu ở phòng này, chịu khó đi thêm mấy bước chân, cả tiền nhà lẫn tiền điện nước, mỗi tháng mỗi đứa đưa cô hai trăm ngàn". "Eo ôi, cháu có nghe nhầm không cô-Giọng Liên vang lên lanh lảnh- Phòng thì bé tẹo, sâu tít trong cùng, bất tiện đủ đường mà những hai trăm một đứa. Xin lỗi cô, chứ nếu có thừa tiền cũng chẳng ai thuê với giá như thế đâu". "Thì cháu cứ xem phòng
cho kỹ đi. Giá chung bây giờ đâu cũng thế cả, cháu ạ, chắc cháu cũng đã tham khảo nhiều nơi rồi. Mà còn cháu này nữa, ý cháu ra sao?"- Bà chủ xoay người sang Loan, thăm dò. Nhưng Loan không nói gì, chỉ đưa mắt, nhìn ngắm.
         Đối diện nơi cô đứng là chiếc cửa sổ được buộc dây cẩn thận. Cô thoáng chau mày. Bà chủ biết  ý, vội vàng cắt dây, đẩy tung cánh cửa. Căn phòng bất ngờ rực sáng trước cái nắng non trưa. Loan thoáng nheo mắt. Một làn gió mát ở đâu chợt ùa tới. Cùng với nó là những âm thanh reo ngân như những tiếng chuông. Loan bước nhanh về phía ánh sáng, phóng tầm mắt ngỡ ngàng. Ngay sát cửa là vườn hoa, xa hơn là vài bụi chuối. Cao hơn, chênh chếch phía bên trái là cái cửa sổ của một ngôi nhà hai tầng. Chiếc cửa cách điệu rất ưa nhìn, bên trên là hai chiếc đèn lồng và vài ba chiếc chuông nhỏ đung đưa. À, ra thế. Lòng Loan như chùng lại: Thôi cũng được, hai trăm thì hai trăm! Loan và Liên cũng đã đi đến rời cả chân rồi! Cũng chẳng có chỗ nào rẻ hơn nữa...
         Nhưng Liên nhất định không chịu. Thấy Loan ậm ừ, cô lên tiếng chèo kéo. Nào là tường nhà ẩm mốc, lỗ chỗ, toàn những đinh là đinh. Nào là trần nhà thấp, lại thủng, chuột mà chạy thì cát sẽ rơi nhiều. Nào là đồ dùng duy nhất có một chiếc giường mét hai chật chội, mà không, phải nói là mấy mảnh gỗ kê thành giường mới đúng, nằm không cẩn thận có ngày ngã ê lưng. Nào là hành lang hẹp, chỉ  vừa một người đi, mùa mưa không biết phơi đồ ở đâu. Nào là căn phòng ở trong cùng, hành lang lại cụt, không có lối dắt xe, gửi trên nhà bà chủ thì rất bất tiện cho những hôm có việc đột xuất phải về muộn. Rồi là cả chuyện khu nhà trọ có nhiều đàn ông cứ cởi trần mặc quần soóc ngồi ngay ở cửa... và hàng trăm thứ bất tiện khác nữa. Thôi cứ từ từ, đi xem vài nơi nữa rồi hãy quyết định. Bà chủ thấy một cô cứ trầm ngâm không ý kiến gì còn một cô thì săm soi đủ thứ chuyện, bèn nhẹ nhàng: "Vậy ý hai cháu thế nào?". "Trăm rưởi nghe cô!". "Chết, thế thì sao được, còn điện nước cho cô nữa chứ!". Kỳ kèo mãi rồi cả hai bên đồng ý với việc ký hợp đồng ba tháng một lần, mỗi tháng mỗi người trăm bảy cả điện nước, vị chi là năm trăm mốt. Rồi chẳng hiểu Liên nói những gì, cuối cùng mỗi cô chỉ phải trả năm trăm ngàn cho ba tháng.

Loan dành nhiều thời gian cho việc trang trí cửa sổ. Cô tỉ mẩn ngồi gấp những mẩu giấy cắt từ những trang quảng cáo trên tờ thế giới phụ nữ thành hình những bông hoa hay những ngôi sao rồi xâu chúng lại, treo lơ lửng. Ở chỗ thanh ngang cô buộc lọ nước có ba nhánh cây tài lộc. Phía dưới bên tay phải cô để chiếc đồng hồ cát và vài ba vật dụng khác. Một chiếc chuông nhỏ cũng được mua về, treo lên nhưng rồi Loan lại cất vào tủ. Ngồi vào bàn học, lúc nào Loan cũng mở cửa sổ. Có cả một không gian như là để dành riêng cho cô. Cô cảm nhận được hương thơm của hoa, vị nồng của đất và đặc biệt là có những thanh âm trong trẻo, có khi là tiếng của nắng, của gió, của chim và nhiều hơn cả là tiếng của những chiếc chuông nho nhỏ, xinh xinh. Mỗi lần nghe được những âm thanh ấy, cô thấy lòng mình thanh thản lạ thường.
         Liên thì khác. Dường như Liên chẳng mấy quan tâm. Mỗi lần bạn bè tới chơi, khen hai đứa có ô cửa có phần lãng mạn, Liên lại chép miệng: "Vậy hả? Sản phẩm của Loan cả đấy. Thì được nhất là khi nắng có thể học mà không phải bật đèn, đỡ tốn điện. Tệ nhất là những khi trời mưa, muỗi và mối nhiều vô kể, ớn lắm. Ở lại đây, mọi sự là chiều theo ý Loan đấy chứ. Với lại chỗ này tuy chật chội nhưng được cái gần trường, gần chợ nên cũng tiện". Mỗi lần nghe Liên nói thế, Loan đều chỉ cười trừ, mắt lại hướng về ô cửa phía bên kia. Mà cũng lạ, từ hôm chuyển tới đây, lúc nào mở cửa nhìn sang, Loan cũng thấy ô cửa đó im ỉm đóng, như chưa từng phải là cửa. Loan cứ đoán già đoán non rồi nghĩ ngợi lung tung. Và như mọi lần, Loan lại nghĩ đến dì.
Dì tên Miên, rất xinh, hơn Loan ba tuổi, là em út của mẹ. Cách đây khoảng tám, chín năm gì đó, hồi ông ngoại ốm thập tử nhất sinh mới kể cho mẹ nghe chuyện thời trẻ trai của mình, bắt mẹ phải đi Yên Bái tìm cho được dì về để ông biết mặt. Thế là nhà Loan có thêm một thành viên mới,  nhưng dì cũng chỉ ở dăm bữa rồi đi. Một thời gian sau thì mẹ mai mối dì cho em họ của chú Ninh- bạn thời cấp ba của mẹ. Theo lời mẹ thì chú ấy xuất thân từ một gia đình cơ bản, có cái nhà to nhất phố, lại cũng được học hành tử tế, dì Miên không bằng cấp, chẳng nghề nghiệp gì, được vào nhà đó thì mẹ cũng có phần yên tâm. Dì không bộc lộ thái độ phản đối hay đồng tình trước ý định của mẹ, chỉ cúi mãi đầu xuống và im lặng kéo dài. Thế là làm quen. Thế là dạm ngõ. Thế là đám cưới. Tất cả chỉ diễn ra trong vào một tuần. Cũng trong một tuần này, Loan mới có dịp nói chuyện với dì, mà thường cũng chỉ Loan nói. Tới tận khi dì ngồi một mình trong phòng, đăm đắm nhìn vào trong gương, chuẩn bị chờ tới giờ rước dâu, dì mới chủ động gọi Loan nói chuyện.
         Khi Loan học năm thứ nhất, đúng đợt chú đi công tác nước ngoài hai năm, mẹ bảo Loan tới ở cùng dì cho khuây khỏa. Vả lại năm đầu mới mẻ, ở nhà người thân vẫn thuận lợi hơn. Dì nói hai dì cháu ngủ chung nhưng Loan thấy nó cứ thế nào. Cuối cùng dì thu xếp cho Loan ở căn gác lửng. Căn gác khoảng mươi mét vuông, có một cái cửa sổ nhìn thẳng xuống phố. Thấy Loan có ý định mở, dì ngăn lại: "Đừng, Loan ạ. Để thế cho dễ chịu". "Dễ chịu? Cháu tưởng phải mở tung ra thì mới có cảm giác ấy chứ!". "Thì tùy Loan vậy!" - giọng dì trầm hẳn, mắt như dán xuống đất.
Loan để ý thấy lúc nào dì cũng ở nhà, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở phòng bếp, chưa bao giờ Loan gặp dì bước ra từ căn phòng của hai vợ chồng. Loan tưởng như cả tháng trời chân dì không bước ra khỏi cổng. Chợ búa thì đã có người đem tới tận nhà. Cả công việc đổ rác, chị lao công chiều nào cũng vào tận nơi thu dọn, để được mẹ chồng dì cho thêm vài đồng. Mấy lần Loan rủ dì ra phố nhưng dì đều lần lữa từ chối trong ánh mắt vừa lóe sáng niềm vui đã vội vụt tắt. Có Loan, dì hay sang căn gác, bần thần ngồi bên chồng sách, tay mân mê, vuốt vuốt, đôi khi mở một cuốn, nhìn chăm chăm nhưng Loan biết dì đang nghĩ tận đâu đâu.
         Ấy là đoán vậy thôi chứ dì ít nói lắm, đâu chịu tỏ bày. Những khi như thế, Loan thường ngừng học, kéo dì lại ngồi bên cửa sổ, thầm thì: "Ngắm phố đi dì!". Nhưng chỉ duy nhất một lần, dì nhìn theo cánh tay Loan. Ánh mắt dì khi đó lạ lắm. Có buồn, có vui, có yêu thương hờn giận, có tha thiết đau đớn, có đau đáu khắc khoải lại bàng bạc chút thờ ơ. Ánh mắt ấy ám ảnh Loan, theo cả vào giấc ngủ.  Những lần sau, dì có ngồi lại bên cửa sổ nhưng ánh mắt chỉ hướng về Loan như trông đợi, chờ mong. Và Loan hoặc vờ như cúi xuống hoặc cố phóng tầm mắt ra xa hơn để tránh cái nhìn ấy.
         Rồi Loan chợt thấy mình thay đổi. Những thói quen cứ dần dần bị lãng quên. Bạn bè thì ít hẳn đi bởi đứa nào cũng ngại tới nơi Loan ở, buổi tối lại không chịu ra phố chơi. Nhưng Loan cũng không nghĩ tới chuyện chuyển ra sống ở ký túc xá nếu như không có một lần, vì được về sớm một tiết do cô dạy lịch sử Đảng bị ốm, Loan vô tình nghe được câu chuyện giữa dì và mẹ chồng, mà cũng toàn những lời chì chiết, cằn nhà của mẹchồng dì về chuyện ăn ở của Loan. Chờ hết tháng, Loan xin dì cho ra ở ngoài, lấy lý do buổi tối còn lên thư viện, chuẩn bị tài liệu cho kỳ thi. Dì hoảng hốt, giọng lạc hẳn đi: "Loan đi sao?". Loan ôm dì vào lòng: "Ngày ngày dì lên quét dọn căn gác này và nhớ mở cửa sổ ra nhé. Cháu sẽ quay lại". Nhưng Loan chưa kịp quay lại thì dì đã bỏ Loan mà đi. Ngày dì đi, trời nắng như đổ lửa. Cả phố phường hầm hập nóng. Mọi người trách dì bất cẩn, ai lại đi mở cái cửa không song, không lan can lại lơ lửng của căn gác xép ra mà quét dọn kia chứ.
         Còn Loan, bây giờ, mỗi lần đi qua khu phố dì ở, Loan lại nhìn lên, lần nào cũng chỉ là chiếc cửa sổ im lìm, lặng lẽ. Loan chỉ biết ngấm ngầm khóc một mình. Sau, Loan không đi về ngõ ấy nữa. Những lúc nhớ dì, Loan về ngồi trầm ngâm bên ô cửa, nhìn sang căn nhà phía đối diện, lòng tự hỏi lòng: Không biết có phải dì bất cẩn hay không?
V.T.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét