12 thg 8, 2011

Lóng lánh là lóng lánh ơi

LÓNG LÁNH LÀ LÓNG LÁNH ƠI
Truyện ngắn của Vũ Thu Huế
Sương hay hát, những câu không đầu không cuối, lại cũng không ăn nhập vào bất kỳ một bài hát nào; đôi khi là những ca từ chợt đến, buồn thì hát váng lên, vui thì thầm thĩ một mình. Lại cũng có khi chẳng vì một lý do nào cả, Sương cũng hát, thường thì bắt đầu bằng một câu quen thuộc, quen thuộc đến nỗi, chỉ cần nghe ca từ đầu tiên, bà Cả Nam bán quán đầu khu lại lẩm bẩm: Con Sương đấy!
Dạo này, Sương hát nhiều hơn.


15 tháng Chạp này, Sương vừa đôi mươi. Mẹ bảo Sương chào đời đúng vào đợt gió mùa Đông Bắc. Rét đậm. Mưa phùn. Gió hun hút. Nhiều nhất là sương. Trắng xóa cả làng. Chiều mười tư, thương đám mạ sân mới gieo, mẹ cặm cụi khâu từng mảnh tơi mưa, giăng cho kín sân, vừa chắn gió, vừa tránh chuột. Đám mạ ấy là phần chuẩn bị sẵn phòng khi lúa ngoài đồng, cây nào bị chuột cắn hay không chịu được lạnh, rễ trắng thì ra giêng, nhờ cô Út dặm giùm. Công việc không nhiều mà mẹ cũng cặm cụi tới lúc lên đèn. Cơm nước xong, sẵn nồi nước lá nấu từ trưa, mẹ tranh thủ tắm gội; giặt giũ xong xuôi cũng đã 10 giờ hơn. 11 giờ thì lẩm nhẩm đau bụng. 12 giờ hơn thì nghe Sương khóc. Lúc mang bầu cứ chắc sinh con trai nên chỉ nghĩ đến những cái tên vừa đẹp vừa mạnh mẽ. Lúc cô y tá hỏi, mẹ mới tự trách mình. Ông nội tới thăm, vừa bế cháu vừa chép miệng: Con mẹ mày đoảng quá. Cứ nghĩ tên con trai mà lại vụng đẻ. Thương cháu tôi, mẹ chưa kịp đặt tên hả? Rồi nhìn ra ngoài: Chà, trời đêm nay nhiều sương quá. Trời nhiều sương thế này lại thương cho bà nội ở một mình lạnh lẽo. Khi nào cháu đầy tháng, ông cháu mình sẽ đi thăm bà. Bà sẽ vui lắm đấy bởi bà vẫn ước mong được bế cháu trên tay. Ôi chao, cái con mẹ đoảng này, không biết đặt tên cho cháu tôi là gì hả? Thôi thì cứ lấy tên bà mà gọi. Đúng đó, cứ gọi con tý hin này là Thảo Phương, Dương Nữ Thảo Phương, được không hả mẹ nó? Nó lại được sinh ra đúng ngày sinh của bà đấy. Ôi chao là ngày tháng. Thoáng cái mà đã bấy nhiêu năm. Rồi ông thở dài. Mẹ không dám trái lời, lại xin ông nghĩ cái tên để gọi ở nhà. Ông nhìn đất, nhìn trời một lúc rồi quyết định: gọi nó là Sương.
Nói đến bà, mẹ bảo Sương rất giống bà, từ khuôn mặt, dáng đi đến cách nói, cứ như là đúc từ một khuôn ra vậy. Có phải thế mà Sương được ông cưng nhất, cưng đến nỗi nhiều khi khiến cô Út phải tỵ nạnh. Mẹ bảo cô Út cũng giống bà, chỉ khác là không được sinh ra cùng ngày với bà như Sương. Cũng bởi vậy, sinh nhật nào Sương cũng được ông nội tổ chức, thường là làm cơm để tụ họp gia đình, vừa ăn vừa chúc mừng Sương và kể những câu chuyện về bà. Những câu chuyện được ông, bố, cô Út kể đi kể lại, từ năm này qua năm khác mà ai cũng muốn nghe. Mẹ thì chỉ ngồi im lặng, lắng nghe, rồi năm sau lại kể thê về Sương ở đoạn cuối, thướng bắt đầu bắng cụm từ: Nhớ năm ngoái; nào là nhớ năm ngoái con Sương mới bập bẹ, nghe nhắc đến bà thì cũng ôm cổ ông mà gọi: bà, bà lại khiến ông vừa bế vừa nựng và phải chỉ đến khi được áp má lên ảnh bà mới thôi; nào là nhớ năm ngoái con Sương bị sốt, sáng sớm ông nội đã phải tất tả đi kiếm lá khế, lá nhài về đắp, vừa đắp vừa khấn bà, đến giờ ăn thì đỡ; nào là nhớ năm ngoái, lúc con Sương biết đi nhanh nhưng hơi tý là ngã, ngày nào cũng xăm xăm ra ngõ, rồi lại vào nhà, chỉ lên bàn thờ bà, lúc cười, lúc vẫy tay, rồi canh ông nội. Ông nội mà có ra khỏi nhà là tìm cách bám riết, gỡ cách gì cũng không ra. Và còn rất nhiều cái "Nhớ năm ngoái nữa". Đến sinh nhật lần thứ năm, Sương đã biết tự mình ra mộ bà, bắt chước ông nhổ cỏ, tưới hoa, toàn là cúc vạn thọ. Vậy mà khi Sương vừa mới ý thức được về sự sống và cái chết thì ông đột ngột ra đi, cũng vào cái đêm tháng Chạp trăng lu và đầy sương ấy.
Sương nhớ ngay từ ngày 13, ông đã gọi Sương ra thắp hương cho bà. Ông nhìn đất trời rồi lẩm bẩm điều gì không rõ, một lát thì nhắc Sương trồng thêm mấy cành cúc vạn thọ. Dẫu vẫn biết cúc vạn thọ là loài hoa mà ông thích nhất, nhưng Sương vẫn ngây ra nhìn ông thật lâu, bởi trên mộ bà, cúc đã dày, tầng tầng lớp lớp và đang nở hoa rực rỡ. Như đóan được ý hỏi của Sương, ông xua tay: Con cứ làm đi, cứ trồng thêm mấy cành nữa rồi tưới nước cho nó, đẫm đẫm một chút. Rồi ông lại nói về hoa. Với ông, cúc vạn thọ là loài hoa đẹp nhất. Nó dung dị, dễ gần, dễ thích nghi và thật giàu tình nghĩa. Nó ở với người quanh năm, dẫu có tàn vẫn vẫn gắng dâng hương sắc. Mà bà cũng rất thích loài hoa này. Ông bảo, bà thích là bởi đây là loài hoa chứng dám mối thâm duyên của ông bà ngay từ  những ngày đầu tiên. Nó cũng là thứ hoa lần đầu tiên ông vụng về hái tặng cho bà. Lúc đó, ông chẳng hề nghĩ đến ý nghĩa của nó, chỉ thấy hoa bên đường là hái vội hái vàng để trao cho bà và nói những lời luôn thường trực trong tim với bà, lại chỉ sợ bà từ chối. Đến cả khi bà e thẹn nhận lời rồi mà ông vẫn hãy còn run. Bởi vậy mà ở vườn nhà Sương, ông dành hẳn một bên vườn để trồng hoa, cũng chỉ một loại hoa này thôi. Ngày 14, ông bảo mẹ gọi vợ chồng cô Út sang, làm cơm tổ chức sinh nhật cho bà và cho Sương. Ai cũng thắc mắc sao năm nay ông làm sớm hơn mọi năm một ngày, ông chỉ cười, không nói. Ngày 15, ông nhắc bố theo ông sang thắp hương bên nhà thờ họ, cho cả Sương theo. Trước bàn thờ họ, ông trầm ngâm lâu lắm rồi quay sang dặn dò bố đủ điều, lại nhắc bố kiểm tra lại quyển sổ ghi những ngày giỗ của họ trong năm, lần dò, đối chiếu từng ngày một. Suốt khoảng thời gian đó, ông cũng bắt Sương theo dõi thật chăm chú với lý do: lỡ khi bố vì bận việc mà quên thì Sương có nhệm vụ phải nhắc. Ngày 16, ông dẫn Sương đi thăm bà con chòm xóm. Quanh quanh cũng chỉ được vài ba nhà liền ngõ, bởi nhà nào ông cũng ngồi thật lâu. Chiều muộn mới trở về. Khi về, tự nhiên ông hát mấy câu mà cả ông và Sương đều đã thuộc lòng từ lâu. Đấy là những câu ông thích nhất. Từ ngày dạy cho Sương, hiếm khi ông cất thành lời, thường chỉ nghe Sương hát rồi vừa nhịp theo vừa cười. Mà ông hay giục Sương hát lắm. Mỗi lần như thế ông lại kể cho Sương nghe những câu chuyện ngày xưa. Ông bảo, đấy chính là những câu bà hát trong đêm hội làng giữa rằm tháng Chạp năm ông vừa đôi mươi, khi độiu của bà hát đối với đội của ông. Thấy bà ứng đối nhanh, lời hát lại trong sáng, người lại đằm thắm duyên thầm nên mới gặp, ông đã thầm thương bà. Khi quen rồi thì ông đòi học những lời đó nhưng bà bảo đó là những câu ứng khẩu, nghĩ sao thì hát vậy thôi. Ông không tin, cố học cho bằng được, bà cũng chỉ bày cho làn điệu và nhắc cho một hai câu đầu, những câu còn lại, mỗi lần hát lại là mỗi lần khác. Chính nhờ những câu hát này mà ông bà nên duyên phận. Vậy mà, cưới nhau đêm trước, đêm sau ông đã ở chiến trường, ông còn chưa kịp nhớ mùi hương trên tóc bà; vậy nên những câu hát đã theo ông đi suốt cuộc đời người lính. Phải mất hai mươi năm, ông mới lại được nghe bà hát. Rồi ông bà có bố Sương, cô Út. Bốn năm sau thì bà đi, để ông và những câu hát ở lại. Khi có Sương, ông tặng nó cho Sương...
Thấy Sương không hát, ông tỏ ý không vui. Thế là cả hai ông cháu vừa nắm tay nhau vừa hát. Rồi ông bảo Sương nghĩ đến điều gì thì hát lên cho ông nghe, lời ca sẽ mang lại rất nhiều niềm vui và xua đi mọi nỗi buồn, nhất là trong những ngày tháng Chạp này. Và ông bắt nhịp: "Lóng lánh là lóng lánh ơi, thương ở bên này...". Vâng lời ông, Sương hát, vẫn những câu không đầu không cuối nhưng lại rất thiết tha. Một cọng cỏ vô tình Sương giẫm phải hay một ngọn gió vừa mới lướt qua cũng trở thành lời hát. Ông vui lắm. Đến tối, ông kêu mệt, đi nằm sớm. Quãng 10 giò, Sương đòi mẹ cho sang nói chuyện với ông rồi xin nằm bên ông luôn. Thỉnh thoảng Sương vẫn thích được như thế, thích được rúc đầu vào vòng tay của ông, được nghe ông kể chuyện và được hít hà cả một quãng thời gian chạy qua những nếp nhăn trên mắt, trên tay, trên trán ông. Mỗi lần xin, mẹ dẫu không đồng ý cũng phải bằng lòng, bởi thế nào, Sương cũng cố sang cho bằng được. Nhiều khi, chờ cho Sương ngủ say, mẹ lại phải qua bế Sương về phòng, sợ Sương nằm hỗn, đạp lung tung khiến ông mất ngủ. Lần này, như mọi lần, mẹ nhìn Sương, lắc lắc cái đầu rồi dặn Sương hỏi xem ông có muốn ăn chút gì lót dạ không. Sương sang, gọi ông, lay người mãi mà không thấy ông trả lời bèn kêu ầm lên. Khi bố mẹ tới, ông đã đi từ lúc nào. Vì chuyện này mà bố mẹ ân hận mãi. Sương cũng thế. Còn cô Út thì giận mẹ ghê lắm, có đến cả tháng, giáp mặt thì chỉ quay đi, mẹ xin lỗi thế nào cũng không thông. Sau, Sương tìm cô thưa chuyện, kể lại đầu đuôi những việc ông làm trong mấy ngày trước khi theo bà, cô ngậm ngùi: âu cũng là trời định. Ông thì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bà nên mới thế. Ở  với con cháu không đành bởi thương bà một mình lạnh lẽo. Ông nhớ tiếng hát của bà mà con Sương hát lại không hay bằng bà. Rồi quay sang Sương chì chiết: Thì cũng do mày mà ra cả. Ai bảo mày sinh ra lại giống bà kia chứ, lại giống từ hình dáng tới tinh tình, tới cả ngày sinh. Hồi chỉ có tao, ông có như vậy đâu? Sương nhìn cô, khóc không thành tiếng. Mẹ không nỡ nặng lời với cô, chỉ biết khóc theo. Cuối cùng, chính cô cũng ôm Sương vào lòng mà khóc. Còn bố, chỉ biết ngoảnh mặt đi nơi khác, nén một tiếng thở dài.
Từ ngày ông mất, dù việc cơ quan có bận đến mấy thì năm nào bố cũng xin phép một tuần, bắt đầu từ ngày 13 tháng Chạp. Trong một tuần ấy bố làm tất cả những việc trước đây là của ông. Thực ra thì việc chẳng có gì là nhiều, cũng chỉ dọn dẹp lại nhà cửa và chăm sóc mộ chí. Mẹ đòi để mẹ giúp nhưng bố nhất định không chịu. Sương đòi làm thì bố chẳng nói gì. Quan trọng nhất là sắp cơm cúng bà, cúng ông thì cả nhà cùng làm. Mấy lần mẹ bàn là không tổ chức sinh nhật cho Sương cùng ngày nữa nhưng bố cũng không đồng ý, nói trước nào sau vậy. Sương cũng không có ý kiến gì. Tháng Chạp này, bố lại đi công tác đột xuất từ hôm mùng một. Chỉ còn hai ngày nữa là tới ngày 13, không biết là bố có kịp về không. Không có bố, Sương sẽ tự một mình thu xếp. Mẹ bảo nếu bố không về kịp, mẹ sẽ thay bố nhưng không hiểu sao, Sương cứ thấy thiêu thiếu. Hơn lúc nào hết, Sương mong bố về.
Sương biết bắt đầu từ hôm nay trở đi, đất trời sẽ thay đổi nhiều lắm. Tất cả sẽ bừng tỉnh như sau một giấc ngủ dài. Thì nói đâu xa, chỉ cần nhìn đám cỏ gà trước ngõ là rõ. Những chiếc là non tơ, mướt mát đã vươn lên, hướng về phía mặt trời một cách mạnh mẽ lạ thường. Buổi sáng ngân ngấn những sương; buổi trưa chúng sáng bóng, lấp lánh những nắng. Rồi sau một đêm, đám cỏ lại có thêm nhiều lá mới. Thấy cỏ thế, mẹ bảo nhổ nhưng Sương không nỡ. Lời nội dạy Sương vẫn văng vẳng bên tai: Không nên nhổ cỏ vào mùa Xuân cháu ạ. Mùa Xuân là mùa hạnh phúc nhất của vạn vật. Cỏ cũng thế. Có ai lấy đi mùa Xuân của ta đâu mà ta nỡ lấy đi của co. Làm người, cháu phải biết việc gì cần làm ngay,việc gì chưa nên làm và có những việc không bao giờ được làm. Nhổ cỏ thuộc việc thứ hai. Sương nhắc lại lời ông với mẹ. Mẹ nhìn Sương bằng ánh mắt sao mà ấm áp. Sương thầm cảm ơn mẹ, lòng lại ngóng bố.
Sương mong bố, chốc chốc lại nhìn đồng hồ rồi cất tiếng hát. Thì vẫn là những câu hát không đầu không cuối, lại cũng không ăn nhập vào bất kỳ một bài hát nào; đôi khi là những ca từ chợt đến, khi thì hát váng lên, khi thì thầm thĩ một mình, thường thì bắt đầu bằng một câu quen thuộc, quen thuộc đến nỗi, chỉ cần nghe ca từ đầu tiên, bà Cả Nam bán quán đầu khu lại lẩm bẩm: Con Sương đấy!
Dạo này, Sương hát nhiều hơn.
                                                                                                       V.T.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét