17 thg 3, 2011

Chảy đi, ký ức


CHẢY ĐI, KÝ ỨC
Truyện ngắn: Vũ Thu Huế

1. Tôi tên là Miên, Thụy Miên. Ở nhà, mẹ vẫn gọi tôi Cải. Cũng vì cái tên này mà lũ trẻ quanh nhà trêu chọc tôi như cơm bữa. Lúc đầu, tôi hậm hực, nước mắt nước mũi ròng ròng chạy về hỏi mẹ. Sau một hồi im lặng, mẹ ôm tôi vào lòng, siết chặt. Vậy là, trên má tôi, trên mắt tôi, và cả trên đám tóc hoe vàng của tôi nữa, chan đầy nước mắt mẹ. 
Mẹ thì vẫn ngồi im, mắt hướng về một nơi nào xa xôi và mông lung lắm, còn nước mắt thì cứ thế tuôn rơi, mỗi lúc một nhiều. Cho tới khi người mẹ run lên, lẩy bẩy. Cho tới khi mẹ gục đầu vào vai tôi- cái vai mảnh khảnh, toàn những xương là xương của tôi suýt làm mẹ đau; tôi đã tự thề với mình rằng: Không bao giờ tôi nhắc đến chuyện này nữa. Mãi tới vài hôm sau, khi tôi giúp mẹ dọn hàng (những món hàng nho nhỏ, xinh xinh, thường là kẹo bột và mấy thứ đồ chơi cho trẻ nhỏ, được bày trong cái tủ kính mẹ nhờ chú Hùng mua giúp chiếm vị trí chính giữa cái quán trước nhà được làm từ tre và rơm nếp vài năm trước mẹ nhờ bà con dựng nên); đột nhiên mẹ hỏi: “Con thấy mẹ gọi con là Cải thì xấu lắm ư? Nếu con không thích thì từ nay không gọi như thế nữa. Còn mẹ, mẹ thấy cái tên đó rất đẹp...”.
Nghe mẹ nói thế, trong trí óc của đứa bé 8 tuổi là tôi lúc đó chỉ kịp cuống quýt một điều: sợ mẹ khóc, bởi vậy, tôi vội vàng ôm chặt thắt lưng mẹ, dụi dụi cái đầu khét nắng vào ngực mẹ còn tay thì cứ tìm má mẹ mà xoa rồi quả quyết: “Mẹ cứ gọi con như thế đi”. Thực ra, lúc đó, tôi không cho mẹ biết, vào cái hôm mẹ ôm tôi mà khóc ấy, chú Hùng đã tụ tập bọn trẻ trong xóm lại, không biết chú đã nói những gì nhưng ngay chiều hôm ấy, cu Hà- con chú Hùng, là cái đứa hay trêu tôi nhất, gọi tôi ra gốc chuối, dúi vào tay tôi một chiếc kẹo bột rồi hứa: “Từ nay, tao không trêu mày nữa! Bố tao bảo, tao với mày phải biết thương yêu, giúp đỡ nhau”.
Nhìn cu Hà, tự nhiên trong tôi lại tràn ngập cảm giác biết ơn và sự tin cậy. Hà hơn tôi hai tuổi, người đen như củ súng, khẳng khiu như que củi, răng thì khấp kha khấp khểnh, duy có đôi mắt là trong vắt, sáng rỡ. Trừ cái việc đầu têu lôi cái tên của tôi ra mà chọc, còn lại, hầu như bất cứ việc gì Hà cũng đều nhường tôi, cùng tôi vui chơi. Nhất là việc dong tôi lên triền đê vào những buổi chiều hè, miệt mài chỉ cho tôi cách thả diều.
Chiếc diều thì lớn mà tôi thì nhỏ, chỉ cầm một chút đã thấy mỏi tay, huống chi nói đến việc lựa theo chiều gió để diều nhịp nhàng thả sáo. Diều của tôi được chú Hùng thửa cho một chiếc sáo to màu nâu sáng, khi gặp gió, tiếng nghe vừa dìu dặt, vừa réo rắt, rất vui tai. Chỉ cần nghe tiếng sáo ấy, vào những đêm trăng thanh, khi chú Hùng rảnh việc thả diều cùng tụi tôi rồi lại cẩn thận cột nó thật chắc vào cây hoa gạo trước hiên nhà, tôi có thể thức cả đêm để vui chơi mà sáng dậy vẫn không hề vương chút gì mệt mỏi. Mà tôi thì mê tiếng sáo ấy vô cùng.
Mẹ bảo, chắc tại hồi mang bầu tôi, chiều nao mẹ cũng đi dọc triền đê ấy. Xung quanh là gió. Trên đầu là trời xanh và bát ngát những cánh diều. Trong đám diều ấy, cùng vẫn lại chỉ có diều của chú Hùng là tiếng sáo trong, thanh  và có sức lôi cuốn nhất. Đi hết dải đê ấy, mẹ ngồi lại với bãi Giữa, hì hụi dùng tay xới xới từng gốc cải đang thì con gái, duyên dáng và mướt xanh như những tiếng khoan nhặt, bổng trầm, càng chiều muộn càng réo rắt, diết da, đang dần trôi, dần trôi theo những đám mây của những cánh diều. Chính những cánh diều ấy đã giúp mẹ đi qua gần 280 ngày bộn bề sự lo toan và chờ mong của mẹ; chất chồng nỗi thất vọng và tiếc nuối của ông bà; dày đặc sự gièm pha của xóm làng và ghen tỵ của bạn đồng trang lứa.
Rồi tôi chào đời. Mẹ bảo, đó là một ngày đặc biệt. Mới tảng sáng, lúc mẹ lẩm nhẩm cơn đau đầu tiên, trời đã ánh lên một màu vàng rưng rức, như là nắng, như là gió, như là cỏ của triền đê những lần chiều muộn. Nhìn lên trời, lòng mẹ tự nhiên thắt lại. Và, như bị xui khiến, mẹ đi như chạy ra phía đầu làng. Bên tai mẹ là văng vẳng tiếng sáo diều. Trước mắt mẹ là xốn xang ngập tràn những hình ảnh khi gần khi xa. Mẹ ngồi bệt xuống gốc đa và ban sương cho đám rễ lúc nào cũng vồng lên.
Mẹ cũng không nhớ mẹ ngồi như thế bao lâu nữa, cho tới khi mẹ cảm giác được chút nước hồng hồng sanh sánh cùng với những lần hối thúc mỗi lúc một dầy hơn, mãnh liệt hơn của tôi. Tôi khiến lưng mẹ trở nên rát bỏng, nhức mỏi. Khi mẹ vừa kịp đặt chân lên thềm nhà cũng là lúc tôi khiến mẹ đau nhất. Bà ngoại vội vàng vực mẹ dậy, dìu vào buồng và hối ông ngoại chạy ào sang nhờ bà Thìn. Bà Thìn là bác sỹ của trạm y tế xã, ở cách nhà tôi vài ba chục bước chân. May mà bà Thìn sang kịp. Tôi oa oa chào đời với  năm vòng tràng hoa quấn cổ. Vừa đét vào mông tôi một cái thật đau, bà Thìn vừa rủ rỉ: “Rồi cái con hến này cũng làm nên chuyện để đời đây”…
2. Mẹ hay dắt tôi đi dọc triền đê và điểm dừng cuối cùng là bãi Giữa, tháng một đôi lần nhưng nhiều nhất là vào những ngày cuối năm, khoảng từ tháng Mười trở đi. Trong trí nhớ bẻ bỏng của tôi luôn khắc dấu những ngày bâng khuâng diết da ấy. Tôi biết, cuộc sống của mẹ con tôi trở nên dịu dàng, đằm thắm nhất; có ý nghĩa và đem lại trên gương mặt mẹ nhiều ánh sáng nhất; ấy là dịp này. Tháng Mười, tháng Một rồi tháng Chạp.
Những ngày tháng ấy chảy trong nỗi nhớ của mẹ và reo ngân trong ký ức của tôi là những lần được mẹ dắt ra bãi Giữa đắm mình trong thiết tha sắc cải. Cái màu vàng như khắc vào tâm trạng, chào đón vỗ về. Mẹ cùng tôi đi như người giàu có nhất trần gian, vội vã nhưng thanh thản, tận hưởng vị nồng nồng ngai ngái của đất, vị hăng hắc dịu ngọt của hoa. Mẹ chỉ về phía xa, nơi con nước đỏ hồng như máu và thỉnh thoảng có bóng dáng con thuyền.
Nhìn đôi tay dịu dàng, run run của mẹ, tôi mong có một lần hiểu được điều mẹ muốn nói. Niềm mong mỏi ấy cứ đeo bám tôi, chảy trong từng mạch máu của tôi, ngay cả khi vào dạo tháng Mười năm ngoái, lúc mẹ bất ngờ để tôi ở lại mà trở về với cỏ cây, với hương cải, niềm mong mỏi ấy lại càng chảy bỏng hơn. Hai ngày trước đó, đột nhiên mẹ cứ nhìn tôi rồi lẩm bẩm, y như đang nói với chính mình: “Lại gần hết tháng Mười rồi. Chẳng mấy chốc, Một-Chạp cũng qua nhanh. Con đã được ngày tháng đó trở lại thăm 30, chưa phải là nhiều nhưng cũng đã đủ để lớn khôn. Mẹ đã được cùng con chứng kiến những sự đến thăm đó, tuy nhiên mẹ vẫn canh cánh một điều rằng, dù lòng rất muốn biết nhưng lại không thể nào rõ hết được những tháng Mười, tháng Một, tháng Chạp sau này của con sẽ thế nào”. “Sao tự nhiên mẹ lại nói linh tinh gì thế. Con lại làm mẹ buồn ư?”. “Đúng là mẹ đang nói linh tinh. Thôi, không nói chuyện đó nữa. Mẹ chỉ dặn con một điều, từ nay trở đi, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì cũng phải luôn cố gắng. Con lớn rồi, đã tự làm chủ được cuộc sống của mình. Không cần học ai xa, con cứ học theo cu Hà nhà chú Hùng ấy. Nó bữa nay đã ra dáng người lớn lắm rồi”. “Mẹ nói anh Hà đã lớn khôn ư? Con chả tin, bằng chứng là mẹ vẫn gọi là cu Hà đó thôi”. “Cha bố chị, nuôi cho lớn để mà tìm cách bắt bẻ lại mẹ đấy à!”. Tôi cười nức lên, quàng tay, ôm gọn mẹ vào lòng.
Và, đến tận giây phút ấy- giây phút mẹ lọt thỏm trong vòng tay bé nhỏ của mình, tôi mới hay hình dáng mẹ sao lại có thể mong mảnh đến thế. Tôi càng cố gắng ôm riết mẹ sao cho thật chặt hơn. Dăm bảy phút sau, mẹ khẽ khàng: “Ôm chặt thế, con làm mẹ đau đấy”. Tôi sững sờ. Có một cái gì đó y như một luồng khí mạnh chảy rân rân trong cơ thể tôi. Tôi vôi vàng buông tay, ngẩn ra nhìn mẹ, nhìn thật lâu và thật kỹ, tựa hồ là để ghi nhớ khuôn mặt mẹ ở thời khắc này. Rồi nước mắt ở đâu tự nhiên ùa về, rào rạt. Tôi tức tưởi khóc. Mẹ lặng lẽ ngồi vuốt tóc tôi. Sau đó, mẹ toàn bắt tôi nói chuyện về tương lai. Hai ngày sau thì mẹ để  tôi ở lại. Đó là cái buổi sáng trời vàng màu hoa cải, gió đượm mùi hương cải, cay vào mắt tôi, vẽ lên trời những vòng khói. Con mèo tam thể cứ dụi mãi vào tôi, thèm một cử chỉ nồng nàn, âu yếm như thường ngày mẹ vẫn làm. Tôi ôm nó trên tay mà lòng vẩn vương bao suy nghĩ.
Trong cái phút giây đau đớn này, cũng chỉ có nó là ở bên hai mẹ con tôi, sẻ chia theo một cách rất riêng. Từ ngày mẹ con tôi ra ở riêng, lúc nào nó cũng quẩn quanh bên mẹ, là người bạn duy nhất sẻ chia cùng mẹ trong những lúc vui cùng khi buồn. Vui ấy là khi tôi đem đến cho mẹ nụ cười về kết quả học tập hay một đôi lần tôi hát những câu ca mà mẹ đã từng dạy. Mẹ tôi hát rất hay, lại rất giỏi ứng tác. “Lúng liếng là lúng liếng ơi, thương ở bên này…”, bao giờ mẹ cũng mở đầu những câu hát của mình bằng ca từ ấy. Mẹ bảo, đó là những lời mẹ học được trong một lần trốn bà ngoại đi xem văn công biểu diễn. Rồi dường như những ca từ đó ngày mỗi ngày thêm vận vào mẹ, thiết tha hơn. Còn buồn? Tôi cũng không rõ nó xảy ra vào những khoảng thời gian nào; bởi thường xuyên, luôn luôn, bất cứ lúc nào tôi nhìn vào mắt mẹ, tôi cũng gặp nó, những nỗi buồn có tên và không thể gọi tên. Mà mẹ lại hay chạnh lòng. Đôi khi, chỉ vì một sự ương bướng khó bảo hay một lời nói trống không của tôi cũng khiến mẹ bần thần cả ngày. Đôi khi, chỉ thoáng nghe người đi đường hay mấy bà vào mua hàng nói chuyện xa xôi, tận đẩu tận đâu cũng khiến mẹ nghĩ ngợi, có khi vì nghĩ nhiều mà sinh ốm. Những nỗi bần thần ấy, những sự nghĩ ngợi ấy gom nhặt ngày một nhiều hơn, đặc quánh hơn. Nó gặm nhấm, ăn mòn và làm đổi màu những sợi tóc mượt như nhung của mẹ. Riết rồi tôi cũng quen, quen với sự lặng im, thui thủi của mẹ…
Cho tới một ngày, ký ức mẹ vỡ òa. Ấy là một ngày đầu tháng Mười khi tôi vừa đôi mươi. Không biết tự khi nào mẹ đã hái về những chùm bông cải còn đẫm sương. Căn nhà tôi bừng sáng trong màu vàng: vàng của nắng, của gió, của bông cải và của chiếc áo trên người mẹ. Tất cả như lớn hơn, rộng ra, lung linh, chào đón tôi; thật nồng nàn tha thiết. Mẹ ôm tôi vào lòng thầm thì những lời thực khiến tôi ngỡ ngàng-những lời lần đầu tiên được nghe đầy ắp sự khắc khoải, đợi chờ đến độ ngượng ngùng. Tôi lại được rúc vào lòng mẹ hít hà mùi hương quen thuộc, dịu dàng, thân thiết. Rồi bất chợt, mẹ ngồi thẳng dậy, ánh mắt như sáng hơn, đôi môi như run rẩy, mấp máy. Tôi lắng tai. Thoảng trong gió, từ xa vọng là giọng nói nghe sao vừa quen, vừa lạ. Tôi cứ ngỡ nếu như không lắng mà nghe thì gió sẽ đem âm thanh đi mất. Nhưng cái nắng như thầm giúp bằng cách đổ chiếc bóng thật dài, thật mỏng và chỉ như vậy thôi cũng đủ làm mẹ giật mình. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy mẹ lúng túng, ngại ngần. Má mẹ ửng hồng. Mắt mẹ đẫm nước. Tay mẹ chợt trở nên lóng ngóng. Tóc mẹ bay vướng vào chiếc bóng, trong sáng như tấm lòng. Mẹ không nói chỉ sẽ sàng ngồi xuống mép giường. Chiếc bóng cũng không nói chỉ nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế lúc nào cũng buộc chiếc khăn tay đính những bông cải.
Với mẹ chiếc khăn ấy là một kho báu. Mẹ thận trọng, nâng niu, gìn giữ. Mẹ chưa một lần bằng lòng để cho tôi cởi những nút thắt hay phủi những hạt bụi. Hàng ngày, mẹ đi qua chiếc khăn, nhìn nó bằng ánh mắt vuốt ve rồi bất chợt lại dõi ra xa xăm, diệu vợi, thoảng thốt; đôi khi lại bùng cháy như ngọn lửa thiêu đốt sự khắc khoải của mẹ và trí tò mò của tôi. Lâu dần thành quen, tôi không lên tiếng thắc mắc nữa, mà dẫu có hỏi thì mẹ cũng chỉ lặng thinh. Tôi trườn ra khỏi ánh nhìn của mẹ, ngước lên chiếc bóng. Đó là khuôn mặt người đàn ông phong trần, bụi bặm và khắc khổ. Khuôn mặt cũng đủ làm tôi giật mình. Có phải trong những giấc mơ, tôi đã từng gặp khuôn mặt này trong suốt hai mươi năm qua?
3. Tôi rất hay nằm mơ. Những giấc mơ đến với tôi thường vào lúc nửa đêm, những khi nằm chờ mẹ lụi cụi bên chiếc đèn hoa kỳ, quẩn quanh bên mớ hàng xén con con, tối nào mẹ cũng sắp ra dọn vào, bày biện đủ theo mọi kiểu rồi cuối cùng lại chọn theo cách cũ kỹ ban đầu. Tôi mơ đủ thứ, từ chuyện cãi nhau, giành một chỗ chơi nhảy dây với đám cu Hà đến cả chuyện mơ được mẹ dẫn ra bãi Giữa. Và trong gần như hầu hết những giấc mơ ấy, tôi luôn cảm thấy có một khuôn mặt lúc gần lúc xa, khi mờ mờ, khi sáng tỏ mỉm cười với tôi. Cứ khi nào khuôn mặt ấy mỉm cười, chìa tay như muốn ôm gọn tôi vào lòng; còn tôi, tôi cố hết sức căng tròn mắt để nhìn cho rõ thì lại đột nhiên tỉnh dậy. Tỉnh dậy và đầu óc chợt trở nên sáng láng lạ thường. Không biết bao nhiêu lần tôi đã từng tự hỏi, liệu khuôn mặt ấy có chút gì giống với những người đàn ông đang sống quanh mình không, như chú Hùng nhà cu Hà hoặc giả giống ông ngoại chẳng hạn? Rồi tôi kiếm giấy hí hoáy ngồi vẽ, vừa vẽ vừa tưởng tượng, vẽ rồi lại bỏ vì thấy vẫn chưa đúng với những cảm giác của mình- một cảm giác vừa gần gụi, thân thiết, chỉ cần nghĩ tới thôi đã thấy ngập tràn tình thương yêu.
Đã có lần, đâu như hồi tám, chín tuổi gì đó, sau bao nhiêu ngập ngừng, tôi đem cảm giác này chia sẻ với mẹ; nhưng thật không may lại gặp đúng lúc mẹ đang cáu bẳn, chả thèm để ý xem tôi nói gì, chỉ buông gọn một câu: “Con toàn mộng mị không đâu vào đâu, để mai mẹ kiếm cành dâu và lấy thêm con dao gối ở đầu giường”. Tôi đăm đăm nhìn mẹ, nửa ngỡ ngàng, nửa thất vọng, mặt tự nhiên xịu hẳn xuống, mắt thì rơm rớm. Mẹ dường như cũng chả để ý đến cái nhìn của tôi, tiếp tục một thôi: “Mẹ nói bao nhiêu lần rồi, buổi tối trước khi đi ngủ chịu khó uống ly sữa nóng thì lần nào cũng lén mẹ đổ đi, vừa mất công pha của mẹ mà ngủ lại không sâu. Từ tối nay, con uống trước sự chứng kiến của mẹ. Mà con gái lớn rồi, ít chơi với lũ con trai đi một chút. Cũng tại ban ngày con đùa nghịch, la hét nhiều quá nên mới thế. Ngày trước mẹ đâu có như thế…”. Vừa hay lúc đó, thoáng thấy bóng cu Hà ngoài cổng, tôi lẳng lặng chuồn đi chơi với sự ấm ức trong lòng. Chiều, hình như mẹ nhớ lại, trong bữa cơm có ý gợi lại những chuyện hồi sáng nhưng tôi lại lắc đầu: “Con quên rồi”.
Từ lần đó, tôi không khi nào kể cho mẹ nghe về những giấc mơ của mình. Dường như chiếc dao bén sắc và những cành dâu mà mẹ gối đầu giường tôi không hề phát huy được tác dụng. Tôi vẫn rất hay mơ, phần lớn là những cuộc nói chuyện với người đàn ông ấy. Thôi thì đủ thứ. Tôi thì cứ kể, người ấy thì lặng lẽ nghe, rồi khuyến khích tôi bằng những nụ cười.  Tất cả những gì tôi thấy, tôi cảm nhận được từ những đêm trằn trọc chờ mẹ vào ngủ, để được hít hà mùi thơm quen thuộc, để được tôi đều ghi cả vào nhật ký, hầu như ngày nào cũng ghi, chỉ một đến hai tuần là hết một cuốn vở ô ly 48 trang. Tôi biết đến nhật ký từ hồi đi học lớp 1. Hồi đó, mẹ đưa tôi một cuốn vở riêng rồi bảo tôi hàng ngày ghi vào đó những gì mình đã học được, làm được, những gì mình thấy, vì như thế rất có ích với tôi sau này. Riết rồi nên quen, sau này thì không cần mẹ nhắc nữa, tôi cũng ghi nhật ký một cách thường xuyên và bài bản, lúc đầu viết được dòng nào còn đem khoe với mẹ, sau thì giấu nhẹm đi. Mà cũng hiếm khi mẹ hỏi tới. Khi tôi lớn hơn một chút, mẹ bảo mẹ không hỏi tới là do mẹ tin và tôn trọng quyền riêng tư của tôi…
4. Ngày ngày, tôi vẫn tới trường bằng chiếc xe đạp cũ. Mẹ vẫn thế. Loanh quanh với mấy hộp kẹo, viên bi, bán cho lũ trẻ hàng xóm. Và chiếc bóng vẫn cứ lặng lẽ vào ra. Hầu như là im lặng. Tôi đi thư viện nhiều hơn, viện cớ chuẩn bị tài liệu cho kỳ thực tập sắp tới. Mẹ không nói gì, như buồn, như vui. Một hai tối, cái Lan xin mẹ cho tôi sang nhà, giúp nó một số công việc. Hai mươi năm, lần đầu tiên tôi được bằng lòng sau bao nhiêu lời chối từ của mẹ và bao nhiêu lời năn nỉ khéo léo của Lan. Tôi nhìn mẹ, nhìn chiếc bóng, rồi vội chạy theo Lan, cất tiếng chào mẹ, chào chiếc bóng mà cái chân đã ra tới cổng. Tôi sợ mẹ đổi ý. “Mẹ bảo cậu gọi chú ấy thế nào”. “Cậu nghe rồi đó, là chú”. “Không, đó là tự cậu gọi”. “Mẹ tớ chả nói gì cả”. “Thế còn trong lòng cậu, cậu nghĩ gì?”. Tôi nhìn xoáy vào cái Lan. “Nhìn gì mà nhìn, không nói thì thôi”. “Chú ấy như một chiếc bóng, chả tỏ thái độ gì với tớ cả?”. “Có thể là đang tìm cơ hội. Hay mai về cậu trò chuyện với chú ấy thử xem, biết đâu sẽ có một sự nhiệm màu”. “Nhiệm màu?”. “Ừ, hay để tớ giúp”. Tôi vội vã lắc đầu. Cái Lan tỏ vẻ nghĩ ngợi rồi bất chợt ghé tai tôi thì thầm. Tôi lại nhìn nó ngạc nhiên, suy nghĩ một lát rồi gật đầu.
 Vậy là cứ cách ngày, tôi lại sang nhà cái Lan ngủ, lần nào cũng có một lý do thật chính đáng. Một đôi lần, cuốn vào những niềm mong mỏi về một sự nhiệm màu khiến tôi bước thấp bước cao theo cái Lan trở lại nhà mình, rón rén ghé mắt qua ô cửa. Vẫn là mẹ quẩn quanh với mấy hộp kẹo, viên bi. Vẫn là chiếc bóng lặng lẽ vào ra bên cạnh mẹ. Thỉnh thoảng lắm mới thấy hai người nhìn nhau. Tuy nhiên, trong ánh sáng trong vắt của chiếc đèn huỳnh quang, tôi lại nhìn thấy những sợi tơ con nhện vàng đang tiếp tục dăng vẫn lửng lơ trên đầu, bên cạnh tầm tay hai người. Tôi như đứa trẻ khát nước gặp trận nắng gay, nửa thất vọng nửa mừng vui. Tuy nhiên, thành tâm tôi đã từng mong và tin vào sự nhiệm màu.
Tôi sang tuổi hai mốt được 20 ngày. Trong hai mươi ngày ấy, tôi đã nhìn thấy mắt mẹ phảng phất những nụ cười tươi sáng. Cơm mẹ nấu dẻo hơn. Canh mẹ nấu ngọt hơn. Bọn trẻ hàng xóm được mẹ cho nhiều bi hơn. Và tôi được mẹ chăm sóc nhiều hơn bao giờ hết. Mẹ mua cho tôi bộ trang điểm, thứ mà từ trước tới nay, mẹ không thích. Bất ngờ hơn, tôi được mẹ cho xem chiếc khăn tay đính những bông cải. Vẫn không một lời giải thích, nhưng tôi biết, như thế còn hơn mọi dãi bày. Chiếc khăn đã có màu của thời gian, chắc hồi mẹ mới có, nó trắng tinh và thơm lắm. Tôi loay hoay đọc đôi chữ lồng MT được thêu rất đẹp. M- chắc chắn là chữ cái đầu trong tên của mẹ rồi. Mẹ tôi tên là Miên, Hoàng Miên. Mẹ bảo cái tên này rất đẹp nên cũng dùng nó để đặt cho tôi. Còn T. Tôi cứ đoán già đoán non với vô vàn những cái tên khác nhau, lại băn khoăn tự hỏi không biết có phải đó là tên của người đang ở trong nhà mình không. Mẹ chưa bao giờ gọi tên, cũng không hề nhắc tôi gọi chiếc bóng thế nào. Mọi giao tiếp giữa hai người hầu như chỉ bằng ánh mắt, đôi khi mắt chưa kịp nhìn mà ý đã hiểu. Một đôi lần, thấy tôi cứ bần thần ngắm nghía chiếc khăn, cả hai người cùng nhìn nhau, chiếc bóng đã định nói một điều gì đó nhưng lại bị ánh mắt của mẹ ngăn lại…
Tháng Mười, chiều ngày hai mốt, mải lo tìm thêm tài liệu, tôi về nhà hơi muộn. Cửa mở. Đèn sáng trưng. Chiếc bóng đổ dài trên chiếc ghế. Không có mẹ. Trong nhà. Dưới bếp. Bên quán. Ngoài sân. Không có mẹ. Trên bàn, một dòng chữ mẹ vội vàng : Lát mẹ về. Đừng tìm. Ném cái nhìn có lửa về phía chiếc bóng, tôi vội lao ra đường. Tôi đã quen với sự hiện diện của mẹ. Mẹ có thể đi đâu? Lần đầu tiên trong đời tôi lo sợ. Cái cảm giác ấy chạy dọc sống lưng khiến tôi luấn quấn. Tôi chạy như ma đuổi. Mười giờ đêm, tôi gặp mẹ ở bãi Giữa. Quanh chỗ mẹ ngồi là bạt ngàn bông cải. Thấy tôi, mẹ sẽ sàng đứng dậy, gom từng bó cải, như sợ chúng đau, thả lần lượt xuống dòng trôi. Rồi lặng lẽ, mẹ dẫn tôi về nhà. Tôi không dám nhìn vào mắt mẹ. Tôi sợ. Tôi lại giật mình: không thấy mùi quen thuộc của cải như mọi lần. Gió đã chở hương đi thật rồi sao? Hai mẹ con bải hoải dắt nhau về. Mệt nhoài. Cùng mẹ ngồi trước tô mì cả tiếng đồng hồ mà vẫn không vơi đi được một cọng, tôi hờn mát, rúc đầu vào chăn, thút thít rồi ngủ lúc nào không hay. Tháng Mười, ngày thứ hai hai, tôi dậy trễ. Mẹ đang lụi cụi dọn hàng. Ở chỗ mẹ hay ngồi, một bình cải còn như muốn ngủ thêm. Cạnh tôi, một bó nữa, còn đẫm sương và dường như cũng đang ngái ngủ.
5. Thế là chỉ còn hai mẹ con. Như thế được mấy năm. Cứ đến tháng Mười, mùa sinh nhật tôi và mùa cải, không ai bảo ai nhưng cả tôi và mẹ đều dõi ra cửa. Dõi trông trong sự mong ngóng đến vô cùng. Một đôi lần, tránh nhìn cái nhìn thất vọng của tôi, mẹ chuyển qua loay hoay làm một vài việc nào khác, nhưng không được, đụng vào đâu cũng thành ra vãi vương, bừa bộn. Còn tôi, tôi cố gắng thật tập trung lắng nghe. Nhưng, dù có làm cách nào đi chăng nữa, dù có lắng sâu đến mấy cũng vẫn không thể nghe được âm thanh nào. Cả nắng và gió vẫn như mọi ngày, không đổi khác, không làm mẹ giật mình. Sao mà tôi lại thèm được nhìn thấy những cái giật mình của mẹ đến thế!
 Tháng Mười, ngày 30 năm ngoái, mẹ tôi đã trở về với cỏ cây, với hương cải. Tôi đã có 30 tháng Mười. Những bó cải lần cuối cùng mẹ muốn tặng tôi, tôi đem chia nhỏ, đắp lên mộ và cắm lên bàn thờ mẹ. Tôi biết vào mỗi tháng Mười, tôi sẽ lại tiếp tục thường xuyên ra bãi Giữa để ước ao được nhìn đôi tay mẹ dịu dàng, run run chỉ ra phía xa, nơi con nước đỏ hồng và thấp thoáng dáng thuyền. Và tôi mong trong nắng, trong gió, trong hương cải, những âm thanh phải lắng mà giữ lấy sẽ trở về. Khi ấy chắc mẹ tôi sẽ rất vui.
V.T.H                                                                                                 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét