14 thg 3, 2011

Hạt cát

HẠT CÁT
Truyện ngắn: Vũ Thu Huế

Ngân không xinh nhưng có duyên và ham học hỏi. Học ở một trường có tiếng là hết sức văn hóa, Ngân trau dồi cho tâm hồn biết bao tri thức của sách vở và thực tế. Hành trang tuổi 25 của Ngân, bên cạnh những cuộc rong chơi bè bạn, thức thâu đêm để uống rượu, đọc thơ, nghe một băng nhạc, xem một chương trình thể thao... là những lần hội ngộ với lớp đàn anh, đàn chị bàn luận về cuộc đời. 
Ngân thường có những ý kiến, nhận xét đủ làm cho lớp người cao niên ấy giật mình: Bọn trẻ bây giờ khá thật. Và Ngân cởi mở, hết sức vui vẻ với tất cả. Ấn tượng tiếp xúc với Ngân là sự thân thiện, thoải mái, dí dỏm của một người hiểu biết nhưng hết sức khiêm tốn. Bởi thế, Ngân có rất nhiều bạn. Lũ con gái thường tìm đến Ngân khi có những nỗi buồn, niềm vui cần giải tỏa, chia sẻ. Bọn con trai thì tìm đến Ngân như một sự cư trú nhỡ lộ trình.
Tất cả bọn chúng đều nhờ Ngân về một kiến thức nào đấy, một lời khuyên nho nhỏ để hàn gắn với người yêu hay thồ tới chỗ Ngân một đối tượng để Ngân nhìn ngắm và có ý kiến. Lớp người lớn tuổi lại khác. Họ mời Ngân đi nhâm nhi ly cà phê, ly rượu; có khi chỉ là một ly trà đá, một lý nước lọc để cùng thưởng thức, đàm đạo về một câu thơ, một đĩa nhạc, một bức họa nào đấy. Họ cần Ngân nghe và thử xem Ngân biết gì, nghĩ gì. Nhiều khi Ngân tưởng mình kiệt sức.
Một ngày của Ngân trôi nhanh lắm. Ban ngày đi học trên lớp, vào thư viện; tối đi làm thêm; đêm về lục đục cơm nước, giặt giũ; khuya lắm mới có thể ngồi vào bàn. Hình như Ngân muốn kéo dài cái lý do đi học muộn của mình. Ngày trước vì thương em, thương dì nên Ngân sẵn sàng nghỉ học, ở nhà lo chuyện bán hàng. Ngân quan niệm: Đã là học thì ở đâu cũng vậy thôi. Mà thực sự là Ngân đã bao giờ rời xa sách vở đâu. Vừa bán hàng, vừa học qua sách vở, vừa giúp được dì, được em, lại vừa đỡ tốn kém. Ngân đọc nhiều và nhanh lắm, lại nhớ rất kỹ càng, chi tiết. Vốn kiến thức của Ngân cứ dày lên trông thấy.
Sau ba năm, Ngân đi xin việc làm. Không đâu người ta nhận. Người ta cần bằng cấp. Ngân buồn. Ngân đau đớn. Người ta không tin vào khả năng của Ngân. Người ta đã thẳng thừng nói vào mặt Ngân rằng: Cái bằng cấp III chỉ xin việc làm phổ thông, mà ở đây, người ta không có trường hợp nào như thế cả. Ngân hiểu nhưng chua xót. Thời đại này là thời đại của bằng cấp, đâu tính đến năng lực. Và thế là Ngân đi học. Cũng may, Ngân  được giảm học phí, lại có học bổng và tự nuôi sống được bản thân.
Ngân thuê nhà ở với một đứa bạn gái, không thân, không sơ. Nó cùng quê với Ngân, ngày xưa có thời chung lớp. Nó đã đi làm cho một công ty trách nhiệm hữu hạn nửa mùa. Ngân khuyên nó: Cố gắng mà học, mà đọc đi nhưng nó bảo: Học nhiều làm gì. Chả nhẽ cả đời chỉ có mỗi việc đó là hay, là tốt hay sao. Cái chính là cuộc sống hiện tại và xa hơn là sau này của mình. Nó sợ ngộ chữ. Như bác Vân coi trường đấy. Học cho lắm vào để bây giờ sinh lẩn thẩn, toàn nói chữ, không đâu người ta dùng, xin được cái chân bảo vệ là may lắm rồi. Tội là tội cho vợ con, gia đình, sau mới đến xã hội. Ngân chỉ biết cười. Nó đã có người yêu, đến liên tục, cơm cơm, nước nước. Thi thoảng Ngân được mời danh dự, được ăn ngon mà không cần có phong bì. Chàng của nó hay hỏi về cái nửa của Ngân. Ngân cũng chỉ cười.
Thường thì Ngân ít nói về mình. Hình như mọi người cũng không thiết tha với chuyện của Ngân lắm thì phải. Đôi lần một vài đứa bạn cấp III lo lắng: Mày không yêu đi, chờ đến bao giờ nữa. Còn một chị, hai đời chồng, hay kể cho Ngân nghe chuyện chăn gối thì bảo: Sợ rồi Ngân không biết yêu. Người gì nghe chuyện mà chỉ thấy dửng dưng và xấu hổ, nghe mãi vẫn không quen được. Người thế là dễ khổ. Hay là có duyên âm, duyên tiền định. Thế thì cần phải cắt, phải hóa giải. Như chị đấy. Những hai lần tiền duyên, thế là phải hai lần đò, tổng cộng bốn lần cả thảy, vậy mà lần đận hoàn lận đận. Có lẽ cần phải có thêm một lần nữa.
“Thế chị không chán nản hay mệt mỏi ư?”. Người thiếu phụ cười hết sức hồn nhiên: “Thật chán cho nhà cô này. Chuyện đó thì làm sao mà chán được. Đấy là cô chưa biết đó thôi. Cứ lấy chồng đi thì khắc rõ”. Ngân phì cười. Việc gì đến sẽ đến thôi. Có lo cũng chẳng được. Mà cũng không phải do Ngân chỉ có sách vở. Có điều, Ngân thấy nó thế nào ấy. Chuyện tình cảm Ngân nghĩ khác xa rất nhiều với những gì thường thấy khi mỗi lần có việc đi ngang qua công viên hay bất chợt về nhà sớm.
Ngân làm thêm ở một trung tâm ngoại ngữ, nơi người cô đứng tên thành lập. Công việc hàng tối của Ngân là ghi thẻ cho học viên, sau đó cộng sổ sách. Thật đơn giản, đôi khi nhàm chán. Vì là người nhà nên Ngân đi buổi đực, buổi cái, đã định thôi để dành thời gian cho việc khác, nếu như Ngân không gặp Phan. Phan đi học, kiếm thêm cái bằng tại chức. Trông Phan đẹp trai, có vẻ nhiều tài. Phan cũng ngỡ ngàng khi nhìn thấy Ngân. Rồi làm quen, đôi lần chuyện trò ở quán cóc cổng trường.
Nhưng đến tuần thứ ba thì Ngân hiểu: Phan cũng chỉ thế thôi, dăm ba câu nhạt nhẽo, không thấy chiều sâu. Ngân nhớ cái trò xem tay, hồi học cấp III, lũ bạn của ông anh họ đã diễn rất đạt rồi. Ngày đó, Ngân hào hứng lắm, cứ thầm phục tài của họ khi chỉ cần nhìn bàn tay mà đọc được cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Mãi sau này, Ngân mới rõ miếng võ dễ lừa nhất ấy. Nhìn Phan, Ngân chỉ thấy thất vọng, mất đi sự hứng khởi ban đầu. Rồi mọi thứ cũng kết thúc thật nhẹ nhàng, cho dù Ngân cũng đã cố biện minh và cố kéo sự lửng lơ được thêm một tháng.
Rồi Hưng. Thật ra, Hưng chẳng có gì đáng chú ý cả, bởi nếu không Ngân đã nhận ra ngay từ khi bắt đầu đến lớp, có chăng chỉ là sự thấp bé về dáng vóc. Hai năm học trôi qua một cách bình yên. Đến năm thứ ba, đột nhiên Hưng nổi cộm như một phát minh mới được tìm tòi, khám phá. Ngoài sự học hành, Hưng có hàng loạt các bài in trên các báo mà Ngân hằng ao ước. Đã từ lâu lắm rồi, Ngân khát khao có một cái tên dù nhỏ thôi, trên mặt báo. Nhuận bút là một phần, cái chính là Ngân muốn tự khẳng định mình. Vả lại, viết báo đâu phải chuyện đơn giản, còn khó hơn nhiều so với mấy bài thơ Ngân vẫn thường làm.
Ngân bắt đầu để ý đến Hưng, những tưởng chỉ muốn xem Hưng làm việc thế nào. Vớ được sự quan tâm của Ngân, Hưng như bắt được vàng. Kho kiến thức và sự quen biết của Ngân giúp Hưng xào xáo được số tiền nhuận bút không nhỏ. Thế rồi nhận thấy thinh thích nhau. Ngày Hưng tỏ tình, Ngân cảm thấy như vừa mất đi một điều gì thiêng liêng lắm. Ngân thức sự ngỡ ngàng. Cái bông hồng mãn khai Ngân cắm trong lọ, chuẩn bị thay bông khác được Hưng lấy ra để tặng cùng với những lời hết sức hoa mỹ, hoa mỹ đến độ sáo mòn. Ngân chợt thương vô cùng cái bông hồng đã rũ tàn mà vẫn cố gắng thêm một lần cuối cùng làm sứ giả của tình yêu.
 Từ ngày đó, đột nhiên Ngân sinh ghét loài hoa mệnh danh tình yêu, được nhiều người lạm dụng ấy. Đột nhiên, sự lãnh đạm trở về. Đột nhiên, Ngân nhận ra: Nếu cứ viết báo như Hưng, cứ gắn mình với Hưng, Ngân sẽ dần dần cằn đi trong cái vốn kiến thức ngày một bé nhỏ của chính mình. Thế rồi sự từ giã lại đến sau một đôi lần cùng nhau đi ăn cơm, cùng nhau đi lấy tài liệu chuẩn bị cho một bài báo. Và Ngân đã dành cả buổi để ngồi đốt hàng loạt những bài thơ với lời tựa nắn nót: Tặng H.
Ngân nghiệm ra rằng: Cuộc sống vốn nhiều chiều và chiều nào cũng bấp bênh, chung chiêng. Ngân không biết mình ở cái vị trí nào trong cái vòng luẩn quẩn ấy. Đã một đôi lần, Ngân muốn thu mình lại, bằng an chấp nhận. Mọi người trong gia đình thì lúc nào cũng thúc Ngân nhiều về chuyện chồng con. Rõ khổ. Thực tình Ngân cũng muốn học cho xong cái đã và phải có một công việc ổn định. Điều gì chưa đến thì tới thời điểm cũng đến thôi.
 Ngân chưa bao giờ nghĩ mình khác người. Ngân cũng khát khao có một tình yêu, có một người chồng và có một gia đình nho nhỏ để hàng ngày, sau những bận bịu công việc, Ngân còn có mối lo toan cho chính mình. Ngân biết, càng nhiều tuổi, càng ít bạn bè ham vui. Ai rồi cũng phải lo cho cuộc sống riêng tư. Trong tiềm thức, Ngân rất sợ điều này: Rằng Ngân sẽ một mình, một mình cô đơn cùng thế gian.
Nhưng Ngân lại dốc tâm vào việc học. Năm cuối cùng của đời sinh viên, thời gian dành cho mọi người co hẹp lại. Ngân trở về thời kỳ còn là học sinh năm lớp 12. Ngày ấy, bạn bè, Ngân chỉ gặp duy nhất một người. Đó là Hạ, đứa bạn gái nghèo khổ, nhỏ thó ở góc cuối thị xã. Nó thường đem đến cho Ngân những quyển sách hay của bà chị làm giáo viên, thỉnh thoảng thêm củ khoai lang luộc còn nóng, thứ khoai đặc sản của quê nội nó - khoai Bái. Bây giờ nghĩ lại, Ngân vẫn còn thèm. Hạ đã lấy chồng, có con, trở về quê nội gắn với nghề khoai lúa. Phải lâu lắm rồi, Ngân không gặp Hạ, chỉ nghe qua bạn bè. Như thế cũng là một cuộc sống. Còn Ngân? Không biết rồi mớ sách vở kia sẽ đem Ngân đến đâu?
Cuối cùng thì Ngân gặp anh. Anh cao lớn, già dặn, đem đến cho Ngân cảm giác rằng Ngân bé nhỏ. Anh hơn Ngân một giáp, nhìn đã thấy sự từng trải. Anh là chủ thầu công trình xây dựng của chú ruột Ngân. Chú bảo: “Cái thằng ấy mãi chẳng chịu vợ con gì. Nó nói chưa kiếm được người tự nguyện buộc cẳng. Mày thấy nó có đáng chấm điểm không? Hay để tao hỏi  xem ý tứ nó thế nào nhé?”. Ngân nhìn chú, cười hóm hỉnh: “Thế ra chú đi hỏi chồng cho cháu à?”. “Thì cũng phải như thế chứ còn cách nào nữa. Chờ mày tìm được có mà tới hồi xuống hố. Chú nói chơi thế chứ thực tế thì cũng phải tính cháu ạ. Không còn sớm sủa gì đâu. Tao là tao đồng ý nó đấy”.
Thực lòng, Ngân thấy anh cũng được. Không hoa hòe, hoa sói. Không nói hươu, nói vượn. Những câu chuyện anh kể thường có chiều sâu. Điều này đem tới cho Ngân sự kính trọng. Ngân cứ nghĩ rằng, nếu có ngày anh nói lời yêu, Ngân sẽ run run mà nhận lời. Anh cũng quan tâm tới Ngân. Chắc chú cũng đã kể nhiều về Ngân. Trong những cái nhìn của anh, Ngân như đọc được những thông điệp gửi gấm. Anh và Ngân hay đến công trường. Chú Ngân vui ra mặt. Ngân lúc nào cũng ở trong tâm trạng chờ đợi, phấp phỏng. Rồi ngày đó cũng tới, khi anh nhẹ nhàng: “Tối em rảnh chứ? Đi ra chỗ này cùng anh được không?”.
Ngân bằng lòng. Cả buổi chiều Ngân chỉ nghĩ xem mình nên ăn mặc như thế nào. Ngân lục tung cả tủ quần áo, mặc thử hết lượt. Rồi trang điểm. Đi đứt mấy tiếng đồng hồ mà vẫn không ưng ý. Cuối cùng Ngân đành nhắm mắt, chọn liều một bộ và quyết định không trang điểm. Nhìn Ngân như thế, anh hỏi: “Em không trang điểm à? Như thế là hợp ý anh rồi đấy. Anh rất ngại những phụ nữ coi trọng việc này, chỉ sợ bản thân không đủ kiên nhẫn ngồi đợi”. Loanh quanh một hồi, anh hít mạnh một hơi dài, giọng trầm hẳn: “Ngân ạ, anh cũng nhiều tuổi rồi. Thực sự anh rất mệt mỏi về chuyện tình yêu. Cũng đã đôi ba lần thất bại nên không dám thử nữa. Thực lòng, bây giờ anh muốn tìm một người hợp với mình làm vợ, có thể lo cho cuộc sống một cách chu toàn. Anh thấy Ngân...”.
Ngân thực sự choáng váng trước cách đặt vấn đề của anh. Ngân cũng đã nghĩ tới hàng vạn cách anh nói nhưng lại chưa hề chuẩn bị cho tình huống này. Ngân lặng người, không biết nên bắt đầu từ đâu. Ngân chỉ hiểu rằng anh đang rất nghiêm túc, nhưng lại thẳng thắn và thô cứng quá. Ai lại thế trong lần đi chơi đầu tiên này. Ngân không biết nói gì hơn ngoài sự im lặng. Trái tim Ngân đang run lên, đập những nhịp đập cách quãng, chơi vơi, như đang kiếm tìm một điểm tựa. Ngân đang rất cần một điểm tựa. Nhưng anh lại đánh thức Ngân, đẩy Ngân ra xa mà không đưa thêm một chỗ bám nào: “Ý em thế nào?”.
Sao anh lại có thể hỏi và bắt Ngân trả lời vào lúc này? Sao anh không tìm đôi tay đang run lên của Ngân mà nắm chặt. Sao anh không tự tìm hiểu sự im lặng của Ngân? Câu hỏi của anh đã phá đi cái đẹp của buổi tối, làm mất đi sự nhiệm màu trong sự tưởng tượng của Ngân. Ngân không thể cứ im lặng mãi cũng như không thể mở miệng nói rằng Ngân bằng lòng. Ngân buột miệng, nói những điều vừa mới tới: “Em thực sự xin lỗi anh!”.
Cả đêm Ngân không ngủ. Ngân giận câu hỏi của anh. Nếu như anh cứ im lặng, im lặng để cho Ngân cùng im lặng thì biết đâu mọi sự đã khác rồi. Về sau, anh cũng không tạo thêm một cơ hội nào khác nữa. Ngân cũng không tới công trường như trước, phần vì buồn, phần vì mong anh tới nhà. Chú Ngân cũng không thể giúp gì hơn ngoài câu nói: “Hai đứa, khi tao hỏi đứa nào cũng chỉ cười rồi im lặng là thế nào? Thật không thể nào mà hiểu nổi bọn bay!”.
Một lần nữa, Ngân lại thất vọng. Một điều gì đó ghê gớm lắm đang đổ vỡ trong lòng. Ngân gầy đi trong thấy. Lần đầu tiên, Ngân lo cho sức khỏe của mình. Mỗi lần tới nhà chú, Ngân lại thấy nhớ anh, cái nhớ thật da diết; nhớ rồi lại tự yên ủi bản thân. Chẳng hiểu bây giờ anh đang ở đâu? Liệu anh có gặp một người chú nào như chú của Ngân không? Ngân cứ tự hỏi rồi lại tự trả lời và giải pháp cuối cùng được Ngân chọn lựa là tiếp tục lao vào công việc, y như một cỗ máy để tiêu phí thời gian một cách có ích nhất. Nhưng dẫu có dấu lòng thì mỗi khi nhận được những cánh thiệp hồng, Ngân lại buồn, rất buồn, một nỗi buồn dai dẳng, bất cứ lúc nào cũng muốn chia nhỏ Ngân ra...
Mùa hè đến, Ngân quyết định gác tất cả mọi công việc lại, ra biển. Trước biển bao la, Ngân hi vọng mọi ưu tư sẽ rủ nhau trôi về phương khác. Ngân thấy mình thanh thản lạ thường. Ngân sà xuống bãi cát, cố chọn cho mình một hạt cát lớn nhất nhưng không thành. Cuối cùng, Ngân xòe tay, vốc một vốc cát, xoay xoay nhìn ngắm, đoạn ném tung về phía biển. Những con sóng trắng xóa và những con gió lồng lộng tung mình, nhấn chìm hay che lấp tất cả những hạt cát ấy làm cho Ngân không kịp thấy chúng đậu xuống như thế nào. Bất giác, Ngân mỉm cười, rồi cười thật vang, vừa cười vừa ào xuống biển. Biển mở rộng vòng tay chào đón. Và, những hạt cát phía sau Ngân bay, bay mãi.
V.T.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét