10 thg 3, 2011

Những hàng khoai nước

NHỮNG HÀNG KHOAI NƯỚC
Truyện ngắn: Vũ Thu Huế

Chẳng riêng gì người làng mà ngay cả con cháu, đứa nào cũng bảo bà lẩm cẩm. Nguyễn Quốc Quân- dù còn trẻ, tuổi mới hăm ba, nhưng theo ngôi thứ thì đã ở vị thế trưởng họ- cũng đã nhiều lần tới gặp bà, có nhu, có cương, lại kèm theo tiếng nói đại diện của cả chi họ Nguyễn Quốc nhưng rốt cuộc vẫn phải ra về với nụ cười cắc cớ nửa miệng. 
Không chịu thua, Quân họp họ, lúc đầu định không mời bà nhưng sau khi đã bỏ ra hơn mười buổi tối đến từng nhà trong họ để vừa trao đổi vừa lắng nghe, và cũng không dưới mười đêm hai vợ chồng lầm rầm bàn bạc, Quân mới quyết định mời bà tới dự, mà theo như lời Hiền- vợ Quân nói thì là:“Để cho cả họ biết vợ chồng Quân không ép bà”. 
         Tuy nhiên, đã không dưới bảy lần tổ chức rồi mà kết quả vẫn chưa đúng như Quân mong muốn. Quân thấy mệt mỏi, muốn nản nhưng Hiền lại cứ như không, lần nào tan họp Hiền cũng cười rồi lựa lúc chỉ có hai vợ chồng, thế nào cũng nói một câu mà tới nay Quân đã thuộc làu: “Mình yên tâm, bà càng khó lại càng hay. Em còn mong bà khó hơn ấy chứ!”. Còn Quân, hay đâu chẳng thấy, chỉ thấy nóng mắt, càng nóng hơn khi ngày nào Quân cũng phải đi qua đoạn đường có miếng đất trồng khoai nước ấy, dẫu có nhắm mắt, Quân cũng cảm nhận được chúng tươi tốt như thế nào. Quen miệng thì gọi là miếng thế thôi chứ Quân đo đi đo lại rồi, nó tới ba sào có lẻ, chiều bám mặt đường là năm mươi mét, còn dài hơn cả khuôn viên của trụ sở ủy ban xã ở phía đối diện; chiều kia chạy dọc theo bờ sông Trà. 
Bao nhiêu năm về trước thì Quân chẳng hơi đâu mà để ý đến nó, nhưng từ hồi con đường được mở rộng ra, trải nhựa; trụ sở ủy ban lại chuyển về đấy; rồi cách đâu như chừng vài chục bước chân là trạm  y tế, thêm vài chục bước nữa nghe nói là sắp xây chợ thì ai đi qua cũng phải xuýt xoa, trầm trồ, trước là chuyện khoai nước can cớ làm sao mà lại tốt đến thế, sau thế nào cũng chặc lưỡi khen địa thế và cuối cùng là buông lời tiếc rẻ, có khi là chê bôi người chủ sở hữu không thức thời. Những lời sau lưng ấy, như có cánh, chuyển tới Quân không sót một từ. Lúc đầu thì Quân cũng mặc, bởi dẫu sao nó cũng chẳng phải của Quân. Nhưng Hiền thì không nghĩ như vậy. Mỗi ngày Hiền gieo vào đầu Quân không biết bao nhiêu mà kể những dự định, toan tính. Riết rồi những suy nghĩ ấy lặn sâu vào trong máu thịt Quân lúc nào không hay. 
Từ đó, Quân sinh tật, hay thở ngắn thở dài, hay trầm tư, hay cáu gắt, lại hay thủng thẳng ra chơi với bác bảo vệ ủy ban mà lần nào trở về nhà, Quân cũng đem rượu ra uống, uống rồi ngủ. Để xua đi những khó chịu đó cho chồng, Hiền giục anh bắt đầu sử dụng tới cái danh trưởng tộc. Thì cũng đã họp rồi đấy thôi. Lần nào cũng chỉ chuyện khuyên bà phá bỏ 3 sào khoai nước đi, đất đó để làm việc khác, bà không làm được thì cháu con mỗi người xúm vào một tay, kẻo ngày ngày cũng phải nghe những lời bàn ra tán vào, khó chịu lắm. Mà người đời họ lại có cớ để xem thường mình, xem thường cả họ nhà mình, và theo như lời Hiền thì chắc chắn, người bị xem thường nhiều nhất là Quân. 
        Thế nhưng, lần nào bà cũng ngồi im từ đầu chí cuối, tai lắng mà không nghe, mắt mở mà không trông, cứ như hồn phách còn ở mãi đâu đâu. Qua ba lần, đến lần họp thứ tư, nhìn bộ dạng bà mà đầu Quân vẫn ong ong những lời Hiền nói tối hôm trước, không kìm nổi cơn nóng giận, Quân thình lình đập tay xuống bàn, giọng bỗng chốc trở nên sắc lạnh: “Bà có nghe thấy con nói không thì bảo?”. 
        Cuộc họp đang ồn ào, bỗng lắng xuống, im lặng đến khác thường. Người này nhìn người kia rồi tất cả đổ dồn về phía bà, chờ đợi trong căng thẳng, ngột ngạt. Vậy mà cũng phải một lúc sau, bà  mới chậm chạp mấp máy buông lời - những lời như được lấy từ tầng tầng lớp lớp những nhọc nhằn cuộc sống kinh qua không biết bao nhiêu là vất vả, gian nan và bà phải gắng sức lắm mới thốt lên được: “Bà biết rồi!”; theo đó là những cái lắc đầu và lại tiếp tục ngồi im. 
          Cả họ nhìn nhau, cũng lại lắc đầu và y như những lần trước, không ai bảo ai, tất cả cùng đứng dậy, lục tục ra về. Quân giận lắm nhưng cũng chẳng biết làm cách nào. Còn bà, lại lặng lẽ lấy chiếc khăn chi chít những vết nước trầu đỏ quạch, chấm chấm lên khóe mắt đã già nua đang ép đôi ba giọt nước đặc quánh màu thời gian, cố chấm cho nhanh để nhìn những người thân bằng cái nhìn nửa biết ơn nửa cầu xin họ đừng tiếp tục tới đưa bà ra từ  đường thêm một lần nào nữa. Thế nhưng, dường như chẳng ai hiểu được cái nhìn ấy, (mà có hiểu thì có lẽ họ cũng bỏ qua). Họ cứ tiếp tục kéo dài ra mỗi tháng một lần họp, mỗi tháng một lần đưa bà lên bàn mà mổ xẻ, mà cân đo, mà đong đếm. Và dẫu cho kết quả có biết trước, họ vẫn không nguôi nuôi hi vọng...
***
Bà biết lắm chứ.  Từng tuổi này rồi, đã đi qua bao thăng trầm, sóng gió, chẳng lẽ bà lại không thể tường được nghĩ suy của từng đứa hay sao. Chúng không hi vọng mới là chuyện lạ. Rồi bà lại ra mảnh đất, tẩn ngẩn tần ngần hết nhìn ngắm lại bì bọp lội xuống, vuốt ve, vỗ về từng luống khoai. Bà lại ước như cái mảnh đất này nằm khuất nẻo ở một góc nào đấy thì có lẽ, số phận của nó sẽ không phải khiến nhiều người tham gia ý kiến đến thế. Và bà cũng không phải năm lần bảy lượt làm mếch lòng cháu con. Mà nào bà có ham gì. Con đẻ không có. Gia tài cũng chỉ vẻn vẹn có mảnh đất ấy, bà cũng định sẵn cả rồi. Chỉ có điều, bà không ngờ lũ chúng nó lại nôn nóng đến vậy. Thì chẳng phải lần họp này là lần thứ tám hay sao. Tết nhất đến nơi rồi mà chúng vẫn còn bày vẽ họp họ. Thì cũng vẫn vậy. Chẳng thiếu một ai và người chủ trì vẫn là Quân – thằng cháu trưởng họ mà bà đặt nhiều kỳ vọng nhất. Nhìn tướng nó, bà biết ngay là nó hơn người. 
           Bà biết, thực tâm, nó chẳng muốn họp hành chi đâu, chẳng qua là nể lời bàn của vợ thôi. Ngay từ những lần đầu tiên, lúc hai đứa dắt nhau tới nhà, nhìn vào ánh mắt nó, bà biết nó cũng khổ tâm lắm khi thưa với bà những chuyện đó. Cho nên, bà cứ nhất nhất làm theo ý mình, chẳng thèm nghe xem chúng nó bàn tính ra sao, kệ cho nó nóng giận. Nhưng, đêm qua, cái lúc Quân qua mời bà hôm nay dự họp vừa về, cái khi bị cảm lạnh đột ngột, cái khi một mình vật vã với bệnh tật, bà mới giật mình mà nghĩ khác. Thôi thì hôm nay tập trung xem chúng bàn như thế nào. Bà ngồi nghe, lúc dòm người này, lúc nhìn người kia, thi thoảng lại gật gật cái đầu. 
          Người nhận ra sự thay đổi đầu tiên ấy của bà là Hiền - dẫu chẳng bao giờ dự họp chính thức nhưng chẳng cái gì qua nổi đôi mắt lá răm ấy. Hiền ra hiệu vời Quân ra ngoài, thì thì thầm thầm rồi vợ thì vội vội vàng vàng ra cổng, chồng thì hứng khởi quay vào, cao giọng: “Thưa các cụ, các ông, các bác, các chú và các anh, xin mọi người ta tập trung bàn việc cho nhanh, lần này miễn cho những ý kiến bàn ra. Nhưng trước khi nghe ý kiến của từng người, với tư cách cá nhân, con lỗi phép xin có đôi lời thế này, rồi nó nhìn về phía bà: Nói bà cố tha lỗi, gì thì gì, trước sau cái ba sào khoai nước ấy cũng là tài sản của họ Nguyễn ta. Mà họ Nguyễn ta là ai? Là con, là các cụ, các ông, các bác, các chú và các anh - tức là tất cả những người có mặt ở đây hôm nay và cả thế hệ mai này nữa. Bởi vậy, theo con, ta dứt khoát không bàn theo hướng chia năm sẻ bảy như ý kiến của cụ Quýnh trong buổi họp trước nữa. Bàn như thế thì mãi mãi không tìm được tiếng nói chung. Ta họp hôm nay là để bàn xem, sau khi không trồng khoai nước nữa thì ta làm gì? Một là ta trồng một loại cây thích hợp, hai là cho thuê mặt bằng, tiền thu được nhập vào quỹ họ, vừa đỡ được khoản đóng góp hàng năm vừa có thêm tiền chi dùng cho việc lễ lạt, hương đèn rồi tiến tới nhân rộng quỹ khuyến học. Chi họ mình đi đầu trong việc hình thành quỹ nhưng tính ra đến nay nguồn vốn lại ít so với  các chi họ khác. Về lâu dài, ta không thể để tình trạng như vậy được. Còn mọi vấn đề khác như thủ tục, giấy tờ thì sau này hãy tính, cốt sao bà cố thông suốt là được. Còn bây giờ thì xin ý kiến của cả họ”.
         Quân dứt lời. Căn phòng trầm xuống một đỗi rồi đâu đó dần vang lên những tiếng xì xào. Chậm chạp, bà ngước mắt nhìn Quân: À, ra là vậy. Thì ra chúng nó đã bàn tính cả rồi. Nhưng sao những lời này Quân không nói riêng với bà trước nhỉ. Hôm qua, lúc ở nhà bà, sau khi hỏi han tình hình sức khỏe, nói dăm ba câu chuyện tầm phào, nó cũng chỉ khàn khàn vắn tắt : “Sáng mai con mời bà qua bên nhà”. Rồi về. 
          Nhìn nó, bà lại nhớ ông quay quắt. Cái dáng vẻ của nó thật giống ông nhà vào cái ngày bà quỳ gối, đầu cúi thật thấp nhưng tay vẫn giữ thật chặt nắm cơm mà khép nép, mà ngân ngấn: “Cháu trót dại, cháu không biết túi đồ đó là của ông. Xin ông rủ lòng thương. Cháu chỉ xin ông chỗ cơm còn lại này đem về nấu cháo. Bên kia sông, cháu còn mẹ già và đứa em tật nguyền. Cháu cắn rơm cắn cỏ lạy ông!”. Rồi bà phục xuống lạy. Vậy mà ông cũng chẳng buồn nhìn sang, cứ thõng cả tay chân, ngửa mặt nhìn trời; mà cũng chẳng phải nhìn trời, khi một lúc lâu không thấy ông nói gì, bà lén nhìn lên thì chỉ bắt gặp một đôi mắt nhắm nghiền và một khuôn mặt quá ư buồn bã. Bà không dám đứng lên, cứ quỳ mãi, quỳ tới khi chân tê cứng lại. Thời gian chậm chạp trôi. Lúc này, bà cũng chẳng còn dám mong ông sẽ cho bà nắm cơm còn lại nữa. Khẽ cựa mình, bà ngắc ngứ: “Cháu... cháu ... xin ông... cho cháu về!”. “Thế có cần cơm không?”. “Dạ, cháu xin ông!”. “Mà nhà chị ở đâu?”. “Dạ, bên kia sông, cách đò Gồ một quãng ngắn”. “Thế trước nay làm gì để ăn?”. “Dạ, cũng nhì nhằng. Cháu là người nơi khác đến”. “Nơi nào?”. “Phà Bính ạ”. 
           Lần đầu tiên trong đời có người hỏi bà một cách tỉ mẩn như thế. Sẵn chuyện, bà kể cho ông nghe hết những gì bà biết về cuộc đời mình. Ông vẫn nằm im, chẳng hiểu có để ý đến lời bà không nhưng cuối cùng, ông bảo: “Từ mai, nhà chị qua trông nhà, dọn dẹp, cơm nước cho bố con tôi. Tiền công tính bằng cơm nuôi ba bữa cho ba người nhà chị. Đồng ý thì theo tôi”. Rồi ông vùng dậy, đi như chạy. Không kịp nghĩ suy, bà vội vàng xách túi đồ của ông, bươn bả theo. Bà cứ theo bóng ông mà đi, đi mãi cho đến bây giờ...
 Bà lại ngước nhìn Quân: Ôi chao là những ngày tháng cũ. Chúng khiến bà chẳng thể nào quên được. Bà cũng đã thử một đôi lần nhưng quá khứ vẫn luôn là những gam màu nóng bỏng, ngày thêm ngày lại thêm sức xoáy sâu; lại thêm sự hiện diện của Quân nữa. Thì chẳng phải cái bóng hiện giờ của bà chính là Quân đó sao? Giời đã khiến xui cho nó giống ông ấy từ lời ăn tiếng nói đến nụ cười, nhất là cái dáng đi...
***
Hiền về mang theo cơ man nào là bánh kẹo, trái cây, mau mải bày ra đĩa và rôm rả mời mọi người. Thoáng cái, chủ đề câu chuyện bỗng dưng chuyển hẳn. Tất cả quay sang bàn về giá cả, thế nhưng dường như cũng chẳng thể làm ngưng mạch suy tưởng của bà. Mãi tới khi Hiền đến bên với lời mời ngọt ngào nhưng không kém phần rành rõ, thì bà vội vàng xua tay và nói thật nhanh: “Xin Họ hãy lui lại một ít thời gian nữa. Còn hôm nay thì già chưa thể nào đồng ý được”. Mọi  người chưa kịp phản ứng thì Hiền đã buông thõng một câu: “Bà nói thế thì còn gì mà bàn. Thôi, con mời mọi người ăn bánh trái rồi giải tán. Thật đúng là...”. Tránh đôi mắt như có lửa của Hiền, bà ra về, trong bao nhiêu ánh mắt nhìn theo và trong cái cảm giác có lỗi. Nhưng, bà biết, dẫu có cho nói lại, thì bà cũng vẫn nói những lời như thế.
Buổi trưa, bà thấy đắng miệng, không muốn ăn cơm. Hì hụi nấu tô cháo hành, nấu xong, múc ra bát mà ngồi nhìn. Nhìn nó, tự nhiên nước mắt lại ùa về, dạt dào, mãnh liệt như chưa từng được biết tới. Ngồi chán rồi đi nằm, lại thấy ê ẩm cái lưng, nhưng nhức cái gối. Cái đệm hôm nay sao chợt mỏng. Cái chăn hôm nay sao chợt ngắn. Xoay qua xoay lại vẫn thấy trống trải, trống vắng. Rồi con tim hôm nay sao đập những nhịp hối hả khác thường. Nó hối thúc, hối thúc bà thật dữ. Rồi nó lại buông những lời mới chỉ nghĩ đến đã thấy hàng ngàn hàng vạn mũi kim xoáy sâu, xoáy sâu…  Rồi bà cố hết sức bình sinh gượng dậy, vớ cây gậy, chậm chạp ra chỗ ruộng khoai. Nhìn những hàng khoai mơn mởn, bao nhiêu ký ức lại ùa về, thao thiết chảy. Rồi bà quyết định….
Buổi tối, sau một đỗi chần chừ, bà tới nhà Quân. Hai vợ chồng nhà nó vừa mới cãi nhau, chắc là to lắm. Thì cứ nhìn căn phòng và vẻ đằng đằng sát khí còn vương trên nét mặt của thằng cháu trai là rõ. Thậm chí, nó quên cả chào bà. Bà sẽ sàng dựng chiếc ghế nằm chỏng chơ giữa nhà, kéo lại gần Quân, vừa ngồi xuống, vừa se sẽ thở dài: “Vợ chồng có gì thì từ từ bảo nhau”. Vẫn không ngẩng đầu lên, Quân rầu rĩ: “Bà sang chơi!”. Rồi lên giọng: “Có đứa nào không, đem nước mời bà!”. “Dạ!”- Tiếng thằng Quỳnh sát sạt. Rồi tiếng Hiền vọng lên, nhẹ và êm: “Bà ngồi chơi, chờ con chút xíu”. Thế nhưng, lời chưa dứt mà người đã tới nơi: “Bà mới sang! Gớm, hôm nay trời nóng nóng là. Con đang định tý nữa sang bà chơi, đem biếu bà bát chè sen ăn cho mát lại dễ ngủ nữa. Thôi, có bà ở đây, mời bà lại càng vui”. Rồi quay sang chồng: “Kìa, mình ngồi gần, đỡ cho con cái mâm” và nhanh tay bê một bát đặt trước mặt bà. Bà nhìn tô chè, thoáng chút lưỡng lự. Hiền lại giục: “Kìa, bà ăn đi cho mát ruột”. “Ừ, bà xin. Mà mai qua bà lấy bột sắn với đậu xanh về mà nấu chè hạt cau. Của con gái chị Cả biếu đận trở trời trước đấy. Bà một mình, chẳng bầy vẽ nấu nướng làm gì”. “Dạ, bà để con”. “Ừ, hai đứa ngồi cả đấy cho bà thưa câu chuyện”. Hiền cuống quýt: “Ấy, bà đừng nói thế, tội cho con”. Còn Quân thì như sực tỉnh: “ Mau rót nước mời bà tráng miệng. Có chuyện gì, bà từ từ nói, chúng con xin vâng”. “Không phải bà muốn chỉ bảo gì đâu. Chỉ là bà già rồi, muốn tìm người vãn chuyện thôi. Mà chuyện này, lẽ ra bà định kể cho hai đứa từ lâu rồi nhưng lại cứ muốn giữ thêm để làm của riêng. Thì cũng liên quan tới những hàng khoai nước ấy”. Mới nghe đến đó, Hiền đã vội sán lại bên bà, vừa đấm lưng vừa thủ thỉ: “Thế mà con cứ tưởng… Thôi, bà kể đi, chúng con xin nghe”. 
Quân thì khác. Thấy bà cứ rào trước đón sau, tự nhiên anh có linh cảm rằng, chính những hàng khoai nước đang hàng ngày hàng giờ, liên tục thi nhau nhảy múa khiến đầu anh lúc nào cũng như muốn vỡ tung kia, sau câu chuyện của bà chắc chắn sẽ đem đến cho anh những cảm giác khác. Có lẽ, bà muốn anh hiểu được rằng, tại sao, qua bao nhiêu năm nay, chúng tươi tốt như thế, lại có nhiều người hỏi xin, hỏi mua như thế mà bà vẫn một mực chịu tiếng chứ không cắt cho một cọng nào. Cực nhất là những khi có người cắt trộm (có lẽ cũng chỉ do hiếu kỳ, chọc tức bà cho vui thôi). Lúc đó, không chỉ một gia đình Quân mà cả làng đều biết chuyện. Biết là bởi bà đến từng nhà rồi kể lể, rồi xót thương và cuối cùng, thế nào bà cũng mắng rồi rủa. Toàn những lời cay nghiệt, toàn những lời mà có lẽ chỉ có bà mới nghĩ ra. Đến như Hiền cũng phải lắc đầu: “Nếu người có lỡ cắt trộm mà nghe những lời đó, chắc chắn phải sợ đến già, không dám ra mặt thì cũng phải chắp tay xin chừa”. Nhưng những lời chửi ấy của bà cũng đã cách đây hai, ba năm rồi. Có lẽ, phần vì thương bà, phần vì chẳng ai muốn nghe những lời bạc mồm bạc miệng, phần vì nhà nào, đời sống cũng được nâng lên một bước…  
 Mà hóa ra, ông bà không phải người làng này. Thảo nào hồi trước, Quân có hỏi mấy cũng chỉ được nghe các bậc cao niên nói rằng: Khi sinh ra đã nhìn thấy ở ven sông Trà có rất nhiều khoai nước rồi. Bà là người mua lại mảnh đất đó rồi tiếp tục nhân rộng thêm. Ngày đó, ai cũng lạ khi thấy một cặp vợ chồng trông như hai cha con đến làng, chồng thì xin đổi xuyến ngọc lấy đất dựng nhà, vợ thì chỉ một mực cố đổi cho được dải đất ven sông đó, sau dần dần đổi vào những thửa ruộng liền kề phía trong, đâu khoảng dăm năm thì dừng, không đổi nữa. Rồi tiếp tục trồng khoai nước, chỉ trồng mà không thu hoạch. 
Dạo 45, 46, làng nghèo, có nhà đến khoai nước cũng chẳng có mà ăn, dắt nhau đến xin thì ông chỉ qua bà, bà chỉ qua ông, rồi cuối cùng, thế nào cũng ra về với ít gạo trong lon, chứ khoai thì nhất định là không, một nhánh nhỏ cũng không. Xin khoai mà được gạo, vui mừng, phấn khởi đấy nhưng chẳng ai muối mặt sang lần thứ ba, thứ tư. Rồi được lời của ông, bà đem thóc giúp bà con chòm xóm. Bà con biết ơn, từ đó cũng chẳng có ai nhòm ngó đến đám khoai của bà nữa. Chỉ sau hồi ông mất, đem theo cả cái oai phong từ ánh mắt nên mới có người cả gan động vào ruộng khoai của bà. Thì bà chửi…
Quân biết, mình lại đang sống trong dòng chảy của ký ức. Và giờ đây, dòng chảy ấy lại được bồi thêm, trở nên lắng sâu hơn khi quyện hòa trong dòng chảy mà bà vừa mang tới. Và như vô thức, Quân kéo ghế cho gần bà hơn, rồi đưa mắt nhìn lên. Dường như trận đau đêm qua đã tan biến cả. Trước mặt Quân, bà đang là người khác hẳn, lanh lợi, hoạt bát lạ thường. Anh mắt bà nhanh hơn, gương mặt bà sáng hơn và giọng nói thật rõ ràng, khúc chiết, đầy biểu cảm.
***
… Đến khi gặp ông, được ông nhận về giúp việc trong nhà, bà mới được ăn no, mặc ấm, không phải lo chuyện kiếm gạo nuôi mẹ và em trai. Công việc thì giản đơn, bà chỉ làm loáng cái đã xong. Ngày nào cũng chỉ thu dọn, quét tước sân vườn rồi nấu hai bữa cơm mà nhiều khi cũng chỉ một bữa, bởi hai cha con ông không về ăn trưa, lại cũng có khi đến hàng mấy tuần cũng chẳng ăn cơm nhà nên bà đâm nhà rỗi. Rỗi rãi, bà cuốc vườn trồng rau. Tháng sau, ông đem về con lợn nái, bảo bà thuê người dựng chuồng chăm sóc, rồi cho tiền để bà mua gà, mua vịt. Nguồn thu từ những thứ đó, ông cho hết, bảo bà đem về thuốc thang cho mẹ và đứa em tật nguyền. Thấy ông dễ dãi, độ nửa năm sau, bà lựa lời xin ông đem cả mẹ và em về ở trong căn nhà ngang. 
Chắc quá bất ngờ, ông chưa kịp nói gì thì cậu Cả phản đối dữ dội: “Bố, nhất định là không được. Con đã không muốn chị ta có mặt trong nhà từ lâu lắm rồi. Cho ở tới nay đã là nhân nhượng quá mức. Đã không yên phận lại còn được voi đòi tiên, lúc nào cũng xớn xác ở nhà trên, bố cũng không hề ngăn cấm. Mà con nghĩ, cũng đã đến lúc bố cần xem lại. Bố đưa chị ta từ đâu về thì tự bố giải quyết đi…”. “Cháu xin cậu. Cháu không có ý đó mà chỉ nghĩ…”. “Chị chỉ nghĩ thôi à? Đừng hòng qua mặt tôi”. “Thôi, cháu cắn rơm cắn cỏ cháu lạy cậu, xin cậu bỏ qua cho cháu. Cậu đừng đuổi cháu. Cậu đuổi cháu, mẹ và em cháu biết nhờ cậy vào đâu. Từ nay giở đi, cháu nguyện tịnh không còn ý nghĩ nào tơ vương nữa, cháu cũng không dám tự ý lên trên này nữa. Cậu tha cho cháu lần này. Nếu lần sau…”. 
Rồi bà cứ thế mà nức nở. Cậu Cả quắc mắt, sắp chân, định bỏ đi thì ông lên tiếng: “Thôi, cứ  theo ý cậu Cả và nhà chị thực hiện đúng theo những gì mình vừa nói là được. Bây giờ thì đi nấu cơm, nấu nhiều hơn mọi lần”. “Cháu đội ơn cậu, đội ơn ông”. Rồi bà hớt hải đi ra, y như là chỉ cần chậm một chút thôi, ông sẽ đổi ý. Và bà cũng biết, sau lưng là vô vàn ánh nhìn nảy lửa của cậu Cả. Cho tới cả hôm nay.
Từ đó, bà không dám tơ hào. Có những thứ ông đồng ý cho rồi mà vẫn phải có một lời của cậu Cả, cậu có đồng ý thì bà mới dám. Những khi cậu ở nhà, bà không ở trong bếp thì cũng ra chuồng lợn, chuồng gà hay vườn rau kiếm cho ra việc để làm, tịnh không dám ngước nhìn lên nhà trên. Nhìn còn không dám nói gì đến bước lên. Cả khi có ông ở nhà, có sai đổi nước pha trà bà mới dám bén bảng tới chiếc bàn với dăm ba cái chén sứt tai. Còn việc quét nhà thì đích thân cậu Cả làm, toàn dồn rác vào một góc rồi năm thỉnh mười thoảng ông mới kêu bà đi đổ. 
Có một chiếc cửa sổ thì hầu như chưa bao giờ mở. Còn căn buồng liền kề thì luôn luôn là những bí mật, với bà. Nó duy nhất có một chiếc cửa thông với căn phòng ngoài, còn lại là kín mít. Mà bà cũng chưa từng nhìn thấy nó được mở ra như thế nào. Chỉ biết, nhiều khi, nhờ vào nó, qua khoảng thời gian giữa những lần kéo chốt kèn kẹt mà bà biết được hai bố con ông đang ở gian trong hay gian ngoài, để bà có thể đoán được, sắp tới, hai người sẽ đi trong khoảng bao lâu, hai ngày hay một tuần, thậm chí có khi tới nửa tháng. Nhưng cũng có đôi khi cậu Cả còn cẩn thận chốt cả cửa nhà ngoài. Sự cẩn thận này khiến bà ngày một tò mò hơn. 
Nhiều đêm, những khi hai cha con ông không có nhà, nằm một mình trong nhà ngang, qua cửa sổ, bà nhìn về phía nhà trên mà nảy sinh bao ý nghĩ. Rồi thế nào cũng quẩn quanh vào chuyện vàng bạc châu báu, đoán già đoán non xem nhiều hay ít, được đựng vào những đâu trong căn buồng tăm tối ấy. Rồi lại nghĩ về nghề nghiệp của hai người, chẳng biết làm nghề gì mà có thể hốt được nhiều bạc thế. Hàng xóm bà cũng hỏi qua, nếu không lắc đầu thì lại bảo: đâu như cũng đi làm thuê khiến bà cũng chẳng thấy rõ ràng hơn, đành thôi, chứ có cho thêm tiền, bảo bà hỏi cha con ông thì không đời nào bà dám. Và bà cứ giữ sự tò mò ấy trong lòng, để cho nó  lớn dần theo ngày tháng.
Cho tới hôm mười ba tháng bảy. Sáng sớm, quãng năm giờ, bà đã dậy quét sân vì tối hôm trước ông đã dặn, hôm sau, bà không được động chổi vào lúc sáu giờ như mọi bận. Cứ lần nào mà ông dặn như thế là y như rằng, hai người phải đi tới nửa tháng. Biết cha con ông đi từ hồi đêm, bà bèn he hé mắt liếc ngang. Im ỉm khóa. Đột nhiên, sự tò mò trỗi dậy, thôi thúc bà. Trong phút chốc, bà những muốn bước thật nhanh về phía cánh cửa, mong mở được nó ra, hoặc chí ít cũng giật mạnh chiếc ổ khóa một cái giật mà không hề có chút run tay rồi nhìn vào bên trong. Bà dợm bước. Được đâu như dăm ba bàn chân thì chợt thấy chúng đã không phải của mình, chúng đã được đổ thêm sức nóng của ánh mắt cậu Cả. Bà sững người lại. Chiếc chổi mất đà, đập mạnh xuống đất, hất một mẩu kim loại lạch cạch ra xa. Bà vội chạy lại. Thì ra là chiếc chìa khóa. Cầm nó trên tay, bà thần ra một đỗi, hết nhìn nó lại nhìn chiếc ổ khóa. Không biết có phải là… Một thoáng như lưỡng lự, như ngần ngại, cuối cùng bà đành cầm nó đi vào bếp, quên hẳn mình đang quét sân. Đến cả tiếng sau, bà cũng vẫn cứ ngồi, mắt hướng lên nhà trên còn tay thì giữ chặt chiếc chìa khóa. Có biết bao nhiêu suy nghĩ ào ạt dội đến khiến bà cứ hết đứng lại ngồi, hết quay ra lại quay vào. Nhưng đến lần thứ sáu, giờ xui đất khiến thế nào, một bước chân bà bước hẳn ra ngoài. 
Thế là, như tiện đà, bà bước thật nhanh về phía cửa rồi quay lại nhìn trước nhìn sau, run run tra chìa vào ổ khóa. Vừa in. Quay lại nhìn thêm một lần nữa, hít một hơi thật dài, bà đẩy mạnh cánh cửa, nhón chân bước vào nhà. Căn nhà nhờ nhờ sáng. Một mùi khó tả bay lên khiến bà xua xua tay. Đảo mắt nhìn quanh, bà dừng lại thật lâu ở cánh cửa buồng. Với chỉ hai bước chân, bà đã có thể chạm được và cảm nhận được sự cũ kỹ, xù xì của nó. Rồi như bị ai xui khiến, bà vội vã tra chiếc chìa thứ hai vào ổ khóa. Kỳ cạch, loay hoay đến mức mồ hôi đầm đìa như tắm mà vẫn không mở được. Quá thất vọng, bà lấy vai đẩy mạnh vào cánh cửa một đẩy rồi định trở ra thì không ngờ, như có phép lạ, cánh cửa nặng nề, chậm chạp xê dịch. Thì ra chiếc khóa làm bà mất thời gian lại không hề cản trở mong muốn của bà. Chắc là do hồi đêm ông và cậu Cả vội vàng quá. 
Rồi không chút phân vân, bà mở rộng cánh cửa, bước vào trong lẹ làng như một con mèo. Căn buồng xộc mùi ẩm mốc. Như quáng gà, bà đụng phải mấy hòn gạch nằm loăng quăng giữa phòng. Cái đau giúp bà định thần lại. Bà đứng im, làm quen dần với thứ ánh sáng nhờ nhờ. Rồi bà lần túi áo, tìm hộp diêm. Ánh sáng bật lên. Bà thấy mình đang đứng giữa một nửa căn phòng trống hơ trống hoác, nửa còn lại vẫn đang được che bởi tấm vải màu nâu đất, loáng thoáng bay dật dờ, có lẽ là do lần đầu tiên chúng được đón một vài cọng gió khi bà đẩy cửa. Bà biết, chỉ cần đụng tay đến tấm vải kia, vén chúng lên là mọi tò mò, thắc mắc bấy lâu nay trong bà sẽ thông suốt. 
Tự nhiên, bà trở nên háo hức. Không muốn chốc chốc lại phải bận bịu với việc quẹt diêm, bà liền quay ra thắp đèn rồi vội trở lại. Nhưng khi đã chạm tay vào tấm vải rồi, bà chợt thấy có một cảm giác rất lạ, một cảm giác lần đầu tiên bà biết đến đang rần rật chạy dọc sống lưng. Bà thoắt rùng mình, da gà nổi lên dày đặc. Một thoáng chần chừ. Một thoáng rụt rè. Một thoáng chùn chân quay gót. Rồi dăm bước lùi, lại dăm bước tiến. Cây đèn cứ nghiêng ngả trên tay. Vừa bước, bà vừa lẩm bẩm: 4,3,2,1; 1,2,3,4; 4,3,2,1; 1,2,3,4… Cứ thế, cứ thế. Rồi cũng như lúc ở bếp, như là giờ xui đất khiến, bà quen miệng đếm đến số thứ sáu, khi nhận ra thì cả người đã bước qua tấm vải từ lúc nào. Cái giúp bà nhận ra chính là vị nồng ấm của trầm hương. Quái lạ, chỉ hai bước chân thôi mà đã có sự khác biệt ghê gớm đến thế này sao? Mùi hương trầm khiến bà trở nên bình tĩnh lạ thường. Cẩn trọng, bà cầm đèn soi xung quanh. Vẫn trống trơn, ngoại trừ một chiếc bàn thờ treo chênh chếch bên góc tường phía nam. Tự nhiên, bà thấy tim bỗng đập rộn ràng. Cây đèn trên tay thoắt chao qua chao lại, ánh sáng chập chờn, lúc mờ lúc tỏ. Khẽ khàng, bà nhón chân tiến lại, mỗi bước chân lại thêm cái cảm giác co thắt nơi lồng ngực. Chiếc bàn thờ ngang đầu bà. Kiễng chân nhìn lên. Một ống trầm hương. Một chiếc bật lửa. Một bát nhang chính giữa và phía sau nó, một khối tròn màu nâu sẫm, từa tựa như chiếc gáo dừa. Trong lòng bà, bên cạnh những nhịp đập khác thường lại rộn lên những ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Với tay rút một thẻ hương định thắp cho phải đạo, tay bà bỗng nhiên cứng lại, mắt chợt đờ ra, miệng há hốc khi bất thình lình, cái vật từa tựa như chiếc gáo dừa quay lại. Chiếu thẳng vào mắt bà là một chiếc đầu lâu với hai hốc mắt trũng sâu, cái miệng đầy lưỡi. Và trên tay bà, máu ở đâu tím rầm, vón thành cục, xoay tròn, xoay tròn...
Khi tỉnh dậy, bà thấy mình đang gọn gàng nằm trên chiếc giường thân thuộc. Mồ hôi vẫn tháo ra ầm ầm, ướt đẫm chiếc gối. Vẫn chưa hết bàng hoàng, bà không hiểu tại sao mình lại có mặt đây. Bà vội vàng mở cửa sổ nhìn ra. Căn nhà trên đã được khóa lại. Bà chợt thở phào, như trút được gánh nặng. 
Ngồi một lúc, bà chợt nhận ra phận sự của mình. Thôi chết, trời đã đứng bóng. Phía chái bếp, đàn lợn đang réo sôi. Bà vơ vội cái dao, định ra vườn cắt ít dây lang thì thoáng thấy bóng ông. Như bị điện giật, bà cố gắng thu người lại, chốt chặt cánh cửa rồi qua cửa sổ, bà hé mắt nhìn ra. Ông về, trên vai là cậu Cả sõng soài, tím ngắt, máu chảy ròng ròng. Ông đạp rộng cửa, kéo vội cái chiếu rồi khẽ khàng nghiêng người đặt nhẹ cậu Cả xuống. 
Như sực tỉnh, bà giơ tay, cũng muốn mở cửa để chạy ra xem có giúp ông được gì không nhưng lại không sao nhấc chân nổi. Một sức mạnh vô hình đã ghì chặt chân bà lại, bắt bà đứng im rồi đẩy bà ngã vật xuống. Cái lạnh của đất luồn sâu vào trí óc bà. Và dường như, bà đã lờ mờ nhận ra cái dáng hình của sự bất hạnh khi từ nhà trên, ông rít lên, lấn át những tiếng hỏi han của bà con lối xóm: “Con Gái đâu? Lên rót nước mời bà con”. Lần đầu tiên, bà im lặng, im lặng tuyệt đối khi nghe tiếng ông. Rồi vội vội vàng vàng, như có ai đưa đường chỉ lối, bà sẽ sàng đi xuống bếp, mở cái cửa thông ra mảnh ruộng và cứ nhằm hướng bờ sông mà chạy. Bà chạy, quýnh quáng, bước nọ xiên bước kia. Mà đường ra bờ sông hôm nay sao dài thế. Con tim bà như muốn vỡ tung. Những chiếc cúc áo khoác ngoài dần bung ra tự lúc nào, bà cũng mặc kệ cho chúng phần phật theo gió. Miết rồi cũng tới bờ sông. Trời vừa nhập nhoạng tối. Nhưng bà cũng không dám qua sông, sợ ông tới nhà tìm. 
Đang băn khoăn không biết chạy tiếp tới nơi đâu thì bất ngờ, bà nhìn thấy những hàng khoai nước. Chúng được trồng dọc bờ sông, tươi tốt một cách lạ kỳ. Không chần chừ, bà bươn người về phía chúng, lúc đứng, lúc ngồi, lúc bì bọp lội. Được một quãng thì bà nghe tiếng ông ầm ầm ở phía đầu đường: “Tao biết mày đang ở trong đám khoai. Có giỏi thì cứ chạy tiếp đi. Tao phải bắt được mày về tạ tội trước vong hồn của cậu Cả. Mày dám trái lời. Mày dám hại con tao.” Rồi sẵn dao trong tay, phát vun vút vào đám khoai. Hoảng hồn, bà cứ rẽ khoai mà lom khom chạy. 
Cuộc đuổi bắt diễn ra ngoài sức tưởng tượng của bà. Có những lúc bà tưởng như quỵ ngã, nhưng long ham sống đã kéo bà dậy, nâng bà lên. Cũng có lúc, bà thấy mình như kiệt sức. Và kiệt sức thực sự. Biết mình không thể bước tiếp, bà đành phó mặc cho số phận, mặt vùi vào đám khoai, tay nắm chặt một chiếc lá. Khi tỉnh dậy, bà thấy mình vẫn nằm trên đám lá khoai còn trời đã sáng rõ. Nhìn lại phía sau, chỉ cách bà vài bước chân, cả một dải khoai nước đã ngã gục. Chắc chắn là ông cũng kiệt sức giống như bà. Nhưng bà cũng chẳng dám quay trở về nhà. 
Cả một tuần liền, bà ở riết ngoài bờ sông, cứ nhìn thấy người là chạy, thức ăn chính là củ khoai nước. Độ mười ngày, gần như không chịu nổi thêm được cái ngứa của khoai nữa, lại cứ nhắm mắt là nhìn thấy cậu Cả, rồi cứ nghĩ những hành động của bà đã đẩy cậu Cả tới cái chết, bà đánh liều về tạ tội với cậu một lần. Vẫn sợ ông trả thù, bà chọn về mộ cậu lúc nửa đêm. Quỳ trước mộ cậu, bà phân trần, bà khóc lóc, bà van xin, đến khi khóc không thành tiếng nữa thì thấy ông lù lù bên cạnh, mắt nhìn bà tóe lửa còn tay thì lăm lăm con dao. Bà chỉ còn biết phủ phục dưới chân ông, người co rúm khi mỗi lần, chiếc dao lại được ông kề vào cổ. 
Đến lần thứ ba thì bà vội giật lấy cái dao, tay phải cầm, tay trái đặt lên mộ cậu Cả, nhắm mắt nhắm mũi, phang mạnh một nhát. Bốn ngón tay trái văng mạnh ra xa. Bà ôm tay, nói trong nước mắt: “Còn lại, con mời ông trừng phạt giúp, để cậu Cả được yên lòng nơi chin suối. Con chỉ mong ông thương tình mà thỉnh thoảng giúp cho mẹ và em con chú cơm thừa, canh cặn”. Rồi cứ mặc cho máu chảy, bà nhất quyết nhét dao vào tay ông. Ông sững người, dường như là không tin vào mắt của mình. Rồi ông cũng quỳ uống bên mộ con, rưng rức khóc. Sau, ông gạt nước mắt, gắt: “Cởi áo ra băng nó lại, lạy cậu Cả rồi về”. Bà nhìn ông, nước mắt lại dạt dào rồi ngoan ngoãn làm theo lời ông. Ba năm sau thì ông bà gá nghĩa. Năm năm sau thì ông bà về đây mua đất dựng nhà. Về đây là bởi, đám khoai nước ở bên bờ sông đó, ông không cho bà mua; còn ở làng này, bên con sông Trà hiền hòa ấy, bà đã hỏi và mua được dải khoai nước ấy...
***
Cả Quân và Hiền đều lặng người đi. Hiền chốc chốc lại đưa tay quệt mắt. Quân thì im lặng, mắt không rời bà một phút. Thời gian thì như ngưng lại, lắng đọng, cô thành từng giọt, nhỏ thánh thót những thanh âm khi trầm, khi bổng, khi réo rắt, lúc vang xa. Câu chuyện của bà dừng lâu rồi nhưng dường như chưa ai muốn thoát khỏi cái thời gian bà vừa mang tới. Phần bà, bà lại ngồi im, đưa ánh mắt về xa xôi, như tìm kiếm, như nhớ mong và ẩn chứa trong đó là sự bằng lòng đầy mãn nguyện. Mãi tới khi tiếng của thằng Quỳnh vang lên từ phía bếp: “Mẹ ơi tới phim: Mối tình đầu tiên rồi”. Hiền vội ừ một tiếng thật to, còn Quân thì vội vàng: “Thôi chết, muộn quá rồi. Để con đưa bà về nghỉ”.
Bà chậm chạp đứng dậy. Hiện vừa đỡ bà vừa dặn với chồng: “Mình đưa bà về cẩn thận. Nhớ kê lại cái chân giường cho bà rồi hãy về. Hôm trước em qua, thấy nó kập kênh là...”. Bà quay lại nhìn thì nhận được tiếng cười giả lả: “Bà về kẻo muộn. Mai rồi con sang nấu chè mời bà”.
Quân im lặng đi bên bà, đầu cứ cúi mãi xuống. Qua đám khoai nước, tự nhiên Quân đi chậm, thật chậm. Rồi sau một thoáng ngần ngừ, giọng Quân bùi ngùi nhưng không kém phần quả quyết: “Những chuyện đã qua, bà cho con xin nhận lỗi. Từ nay, bà cứ yên tâm mà hưởng tuổi già. Còn những hàng khoai nước ấy, bà thấy như thế nào thì nó là thế đấy. Rồi con sẽ thưa lại với họ hàng...”. “Liệu có khó cho anh không?”. Quân lại im lặng, rồi chợt cười thật tươi: “Mới đó mà cũng đã gần hết năm rồi, bà nhỉ. Ra giêng ngày rộng tháng dài, nếu bà đồng ý, tụi con sẽ tỉa bớt đám lá già. Thì cũng phải cho đám khoai mặc áo mới một lần chứ, phải không bà?”.
Như hiểu được những lời của Quân, phía dưới bờ sông, những hàng khoai nước bất ngờ phần phật reo vui.
V.T.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét