13 thg 3, 2011

Ngày vô tận

NGÀY VÔ TẬN
Truyện ngắn : Vũ Thu Huế
1. Thảo buông máy, ngồi phịch xuống ghế. Mệt. Mệt bã người. Thần ra một lúc, Thảo chợt giật mình khi nhìn đồng hồ. Chết thật, đã hơn mười giờ! Từ sáng tới giờ, Thảo không làm được việc gì cho ra hồn ngoài chuyện nghe điện thoại. Đưa mắt nhìn lịch làm việc, Thảo phát hoảng khi đã bỏ qua cuộc họp lúc 9 giờ. Thế nào cũng bị trưởng phòng nhắc nhở đây. 
Trưởng phòng của Thảo không phải ai khác, chính là Phương - đứa bạn học hồi phổ thông. Hồi Thảo mới ra trường, mãi không xin được việc làm, đang ngao ngán thì Phương về thăm. Sau hồi chuyện vãn, như là tiện thể chợt nhớ ra, Phương lôi ra một mớ giấy tờ, nhờ Thảo viết giùm bài phát biểu trong cuộc tọa đàm diễn ra vào sáng ngày hôm sau với lý do buổi chiều và tối còn bận tiếp khách. “Cậu gắng giúp tớ, tớ không quên ơn đâu”. “Tớ không việc làm, rỗi rãi thì giúp cậu một tay thôi chứ nói ơn huệ làm gì cho to tát”.
Rồi sau thành quen, tháng nào Phương cũng về nhờ Thảo, thường là báo cáo. Sau mười hai cái báo cáo, Thảo vẫn chưa có việc làm. Đến cái mười lăm thì công ty Phương có thông báo tuyển nhân viên. Phương gọi điện nhắn nhưng Thảo lại chần chừ vì trái ngành mà thâm tâm cũng chẳng có gì hứng khởi khi nghĩ tới chuyện hai đứa cùng một cơ quan. Thấy Thảo chần chừ, Phương về tận nhà hối thúc. Ông bà nội cũng thuyết phục, khuyên Thảo cứ nộp hồ sơ để thử sức xem sao; nếu đi làm mà thấy không phù hợp thì lúc đó nghỉ cũng chưa muộn. Ừ thì cứ thử xem sao, với lại đi làm vừa đỡ buồn, vừa có lương lại vẫn có thể tiếp tục tìm một công việc ưng ý. Thế nhưng khi đã đi làm được hơn một tháng rồi thì Thảo lại thấy ngại sự thay đổi, ngại việc bắt đầu lại các mối quan hệ. Ngay cả khi công ty cử Thảo và Phương vào Tây Nguyên công tác thì Thảo cũng không có ý định khác. Thực ra, ngày ấy, Thảo có thể xin không đi nhưng phần vì những lời năn nỉ của Phương, phần vì Thảo muốn đi xa một thời gian để tĩnh tâm suy nghĩ về chuyện tình cảm với Cường...
Thảo chợt thở dài. Thôi không nghĩ ngợi nữa. Phải bắt tay vào làm việc thôi khi cả một núi công việc đang ung dung ngồi trên bàn chờ đợi. Với tay định lấy bút thì chuông điện thoại lại reo. Thảo nhìn sang cô bé đối diện: “Ngân, em nghe giùm chị”. “Chị nghe đi! Em đang mắc đánh cái này”. “Em nghe đi”. Nhăn nhó, Ngân chạy tới nhấc máy, sau tiếng a lô lại càng nhăn nhó hơn: “Chị Thảo, sếp gọi chị!”. “Em nói lát chị cầm bao cáo lên”. Ngân lắc đầu. Cực chẳng đã, Thảo cầm máy. Ngoài chuyện không lên họp, chuyện chậm báo cáo, Thảo còn bị la về chuyện không chịu nghe điện thoại và vô vàn lý do khác nữa. Thảo ngồi chịu trận trong cảm giác trống rỗng, dường như phó mặc. “Này Thảo, có nghe không đấy?’. “Hả, à có”. “Sáng nay cậu sao thế? Có vấn đề gì à?’. “Làm ơn, câu nói ít được không? Nửa tiếng nữa mình đem báo cáo lên. Thế nhé”. Thảo cúp máy trước đôi mắt ngơ ngác của Ngân. Tức thì tiếng chuông lại réo rắt vang lên. “A lô, lại chỉ đạo gì nữa đây?”. “Này hôm nay cậu sao thế? Ăn nói gì mà cấm cà cấm cẳn y như chó cắn ma thế? Nể cậu thì cậu cũng phải nể mình chứ!”. “Thì cho mình xin lỗi vậy. Không còn chuyện gì thì thôi nhé”.
Thảo đặt máy đánh cạch rồi gục mặt xuống bàn, chẳng buồn để ý tới đôi mắt đang xét hỏi của Ngân. Chuông điện thoại lại reo. Thảo ra hiệu nhưng Ngân cũng không đứng lên nghe máy. Như là không thể chịu đựng nổi, Thảo cáu: “A lô, cậu làm phiền mình như thế chưa đủ sao? Còn chuyện gì nữa đây!”. “A lô, Thảo đấy phải không con?”. “Ôi trời, bà nội! Con cứ tưởng...”. Rồi cứ thế, Thảo ngây người nghe bà nội giục giã, hối thúc. Trước những lời nửa như khuyên nhủ, nửa như mệnh lệnh của bà, Thảo đã buột miệng: “Thì nội từ từ để con sắp xếp đã”. Nhưng bà nội không bằng lòng, một hai bắt Thảo bay ra ngay trong chuyến sớm mai. “Nhưng ba con Bống đi công tác chưa về”. “Việc gấp, không cần phải chờ. Hai cha con nó đáp tàu ra sau”. “Nhưng thời tiết bữa nay xấu lắm, con lại chưa chuẩn bị được gì, kể cả chuyện tiền nong”. “Giờ này mà nhà chị còn nói đến chuyện tiền nong à? Không có thì mượn đỡ, ra rồi tau trả gấp năm, gấp mười. Bằng mọi giá, một giờ chiều mai, nhà chị phải có mặt ở ngoài này”. “Có cần thiết đến độ bắt buộc phải như thế không nội?”. “Nhà chị hỏi gì mà lẩn thẩn thế?”. Rồi đột nhiên, bà nội xuống giọng: “Không dài dòng nữa. Con sắp xếp xin nghỉ, đi đặt vé máy bay ngay đi! Nghe lời nội, âu cũng là lần cuối cùng. Nghĩa tử là nghĩa tận con à. Vả lại bà cũng đã hứa với người nhà bên đó rồi”. “Con biết rồi! Nội cúp máy đi. Mà nội nhắc mọi người nhà mình đừng gọi điện vào thông báo nữa. Chỉ có mỗi chuyện đó, suốt từ sáng tới giờ, hết người này tới người khác, con mệt lắm”. “Ừ, rồi để nội nhắc. Thôi, sắp xếp về ngay, con nhé”. “Dạ”.
Thế là một lần nữa, Thảo đã mềm lòng mà đồng ý, đồng ý trước bà nội. Thì trong nhà, từ trước tới nay cũng chỉ có ông bà nội khiến được Thảo mềm lòng. Thảo chợt bàng hoàng khi nghe tiếng dạ của mình kéo dài, ngân xa, tưởng như đang ngân lên từ trong tiềm thức. Cách đây đúng mười năm, tiếng dạ bằng lòng cũng đã ngân lên, rung những nhịp thổn thức để rồi nhận về những xót xa, buồn tủi. Tự sâu thẳm trái tim mình, Thảo tự hỏi, không biết lần này, đằng sau tiếng dạ bằng lòng ấy, Thảo có còn gặp phải cảnh trớ trêu không?
2. Đến giờ, Thảo vẫn không thể nào quên cái cảm giác mình phải gánh chịu trong hoàn cảnh trớ trêu của mười năm trước, khi Thảo mới vừa đôi mươi, đang là sinh viên văn khoa năm thứ nhất của trường Tổng hợp. Bữa ấy là dịp ôn thi học kỳ. Điện mất. Vừa mới châm được ngọn nến lên thì cô Nguyệt - quản lý Ký túc xá gọi lên nghe điện thoại. Là bà nội, chỉ ngắn gọn đôi lời: “Ông ốm nặng, đang cấp cứu, sáng mai con sắp xếp về sớm nhé” rồi cúp máy. Thảo bàng hoàng, cứ thế chạy thẳng về phòng, vừa chạy vừa nức nở, quên cả trả tiền nghe điện. Suốt đêm, Thảo trằn trọc, nước mắt đầm gối. Đám bạn cùng phòng cũng chẳng đứa nào ngủ, thay nhau yên ủi. Cái Hoa cặm cụi ngồi viết cho Thảo tờ đơn xin phép nghỉ học, đơn xin tạm dừng thi môn Lịch sử Đảng, lại rủ thêm hai đứa nữa kéo tới nhà thầy chủ nhiệm...
Quá sốt ruột, về tới bến xe là Thảo lao ngay đến bệnh viện tỉnh, khoa hồi sức cấp cứu. Quay đi quay lại, không thấy; gặp cô y tá trực hỏi rồi tra sổ cũng không thấy, Thảo quáng quàng xin nhờ điện về nhà. Cô y tá nhìn Thảo từ đầu xuống chân rồi vừa chỉ máy điện thoại vừa bảo: “Hay là ca cấp cứu đêm qua, chưa làm xong thủ tục đã chuyển ngay lên tuyến trên nên quên vào sổ? Tốt nhất là cháu nên về nhà ngay, có gọi điện thì cũng phải về nhà chứ”. Cuống cuồng, Thảo vội vàng cảm ơn; hấp tấp chạy ra cổng viện, nhảy đại lên một chiếc xe ôm, thở không ra hơi: “Chú đi nhanh giúp cháu, việc gấp lắm”.
Trên đường về, đầu óc Thảo toàn nghĩ những chuyện hết khôn lại dại. Nhưng rồi, Thảo sững người khi thấy ông nội đang ngồi vót nan ở cửa, nhìn Thảo hiền từ: “Cũng tại bà nội sợ con không chịu về nên mới nói thế. Thôi, đừng vội trách ông bà. Con đi rửa mặt, uống ly nước cho đỡ mệt rồi ra đây ông bà nói chuyện”. “Ông bà đúng thật là... Có chuyện gì thì cũng để con thi cử xong đã chứ. Còn một môn chiều nay. Thôi, khỏi cần rửa mặt, con ngồi nghe rồi quay lên trường luôn cho kịp thi”. Nhưng cuối cùng, những lời trong nước mắt của bà nội đã giữ chân Thảo: “Mẹ con mất rồi. Con đã về thì ở nhà để chiều chú Đức dẫn sang Hưng Yên. Thôi, mọi chuyện đã cũ, con cũng nên cho qua đi. Bà có lỗi là ngay từ đầu đã không dạy dỗ, bảo ban con chu đáo. Cũng tại bà ích kỷ...”.
Thảo sửng sốt, ngạc nhiên; hết nhìn ông lại nhìn bà. Đã từ lâu lắm rồi, trong gia đình, ai cũng tránh, có ai nhắc tới mẹ Thảo đâu. Từ nhỏ, Thảo đã ở với ông bà nội. Tuy nhiên, Thảo vẫn biết mình có một người mẹ nhưng lại chẳng thể hình dung nổi mẹ ra sao. Suốt thời thơ ấu, Thảo chỉ biết về mẹ qua lời chế của đám trẻ cùng lứa khi chúng không muốn cho Thảo chơi cùng: “Lêu lêu, đừng cho đứa có mẹ theo trai chơi” và những lời xì xầm, bàn tán của mấy người hàng xóm: “Nó còn bé tý mà mẹ đã bỏ đi theo trai rồi. Giờ chẳng biết phiêu dạt nơi nào. Ông bà Phùng đã già mà vẫn phải nuôi con mọn. Thật tội nghiệp”. Và nhất là vào những buổi chợ phiên, khi lẽo đẽo bám theo lưng bà, lúc nào Thảo cũng nghe duy nhất một câu: “Bà đi chợ ạ! Chà, con mẹ Hòa đã lớn từng này rồi ư?”. Người ta nói nhiều đến nỗi Thảo không còn muốn đi chợ với bà nữa, cho dù rất thích. Thảo cũng ít dần trong việc chơi đùa, lâu dần sinh mặc cảm, hay tránh tiếp xúc với mọi người.
Suốt ngày, Thảo chỉ quẩn chân ông nội, hết tưới cây, nhổ cỏ trong vườn lại bế mèo ngồi xem ông đan lát. Thích nhất là được ông nội gấp cho khi thì là những cánh buồm, khi lại là những con hạc. Như thấu chuyện, ông nội vừa làm vừa kể chuyện cho Thảo nghe, những câu chuyện thường bắt đầu bằng ngày xửa ngày xưa và kết thúc có hậu. Nhiều khi, Thảo tưởng như chính mình cũng được bước ra từ những câu chuyện ấy. Khi đó, lòng Thảo lại dạt dào hi vọng, lại mơ những giấc mơ với lung linh ánh sáng. Và trong vầng sáng lung linh ấy là chập chờn dáng mẹ khi thì mỉm cười, khi thì đưa tay vẫy Thảo.
Thảo cứ sống trong những mường tượng đẹp nhất về mẹ. Cho tới một lần, những mường tượng ấy trở thành hiện thực. Nhưng nó lại chua chát đến nỗi Thảo lại ước giá như chúng chỉ là một giấc chiêm bao. Đầu năm học lớp mười, mẹ tới trường tìm Thảo lúc Thảo và đám bạn cùng thầy chủ nhiệm đang chuyện phiếm. Người mà mẹ hỏi lại chính là Thảo: “Chào cháu, cháu chỉ giúp cô bạn Thảo, bạn Thảo ở làng Thụy Bích ấy”. Thảo sửng sốt. Ai nấy đều ngạc nhiên. Cái Phương ngồi cạnh Thảo nhanh miệng: “Chào cô, thế cô là thế nào với bạn Thảo?”. “Cô... cô... cô là... Cô là mẹ bạn Thảo!”. Tất cả mọi người nhìn Thảo ngỡ ngàng. Quá bất ngờ và không biết phải xử sự như thế nào, Thảo vùng chạy.
Rồi từ đó, lúc nào Thảo cũng cảm thấy đám bạn nhìn mình với con mắt khác. Tệ hơn là phải giải thích, phải trả lời những chuyện mà từ trước tới nay Thảo luôn giấu kín trong lòng. Thảo sinh hận mẹ. Thảo càng hận hơn khi sau đó mấy ngày, mẹ viết cho Thảo một lá thư thật dài với những lời mà lần đầu tiên đọc nó, Thảo đã khóc như mưa; nhưng lúc bình tâm đọc lại, Thảo thấy chúng thật sáo mòn. Buồn nhất là mẹ lại gieo vào tâm hồn Thảo những lời nói khác về ông bà nội, về cái chết của bố và về cả sự ra đi của mẹ. Những lời này làm đảo lộn hết thảy. Thảo hoang mang, gầy đi trông thấy, lại cứ ngơ ngơ, ngác ngác, lúc nào cũng như vừa đánh rơi vật gì quý giá lắm và đang cố công tìm kiếm.
Thực lòng, Thảo cũng muốn tìm cho ra một cơ hội hay ít nhất là một cái cớ để làm phép so sánh, chứng minh. Nhưng cơ hội chưa tới thì mẹ đã lại lặng lẽ bỏ Thảo mà đi y như cái ngày Thảo chưa được đầy tháng, cái ngày mà theo lời cô Hằng hàng xóm là: “Mẹ mày bỏ đi theo trai. Ngày cũng như đêm, lúc nào mày cũng khóc. Bà nội vừa khóc theo mày vừa nựng nịu vừa gắt ầm nhà vừa vạch bầu vú nhăn nheo. Nhưng chỉ lừa mày được một tý. Thấy mày khóc quá, tao lại phải chạy sang cho bú nhờ. Nhưng, sữa tao ít, không đủ cho cái Hân, làm sao đủ cho mày. Thế là hết bà nội tới ông nội, đổi nhau bế rong khắp xóm, cứ nhà nào có trẻ là vào. Nhà nào dễ chịu còn đỡ, nhà khó chịu, họ nói cho rát mặt, thiếu nước đuổi về. Có lần mày vừa bú vừa ị, người ta vừa bịt mũi vừa hẩy mày ra, suýt nữa thì rơi xuống đất; ấy vậy mà hôm sau bà nội vẫn phải muối mặt bế mày qua. Thế nhưng cũng chưa khổ bằng ban đêm, bởi mày không chịu uống sữa ngoài, cứ cong người, oe oe đến khản cả giọng. Nhiều đêm, không chịu nổi, tao phải lén chú Hùng, đổi cái Hân qua uống sữa ngoài để cho mày sang bú đấy”.
Cho nên, Thảo không tin, nhất định không thể tin vào lời của mẹ. Lá thư được ném vào lửa. Còn mọi lời trong thư, Thảo thả chúng cho sông. Con sông nhận mà sủi ngầu váng đỏ. Nhìn sông, Thảo cười váng lên. Cái cười dài như cánh sóng ấy đã xua đi mọi mơ hồ trong suy nghĩ nhưng cũng phải mất mấy tháng sau, Thảo mới lấy lại được thăng bằng. Cuối cùng, Thảo quyết định chôn chặt giấc mơ có thật mà không có hậu ấy trong lời thề: “Sống để dạ, chết mang theo”.
Thảo đi Hưng Yên với tâm trạng chẳng buồn, chẳng vui và bộ mặt lỳ lỳ, cau có. Hết cau có, Thảo lại thần người khi biết rằng: Trong Thảo, ký ức về mẹ thì nhạt nhòa, nếu không muốn nói là chẳng có gì. Nhưng Thảo vẫn cứ cố lục tìm bới tung cái lớp nhạt nhòa ấy để tìm cho ra những phút giây giá như có thể là mối ràng buộc thân thiết. Mãi mà không có kết quả, Thảo lại băn khoăn không biết mình sẽ phải như thế nào khi tới nơi. Thảo đã rất nhiều lần chứng kiến cảnh con cái vật vã khóc lóc, kể lể đủ điều khi phải đưa tiễn cha hay mẹ mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Đột nhiên, Thảo sợ. Thảo sợ mình không thể khóc nổi, và càng sợ hơn khi nếu những giọt nước mắt nhất thời có thể chảy ra, bởi chúng chỉ là những xúc động nhất thời trước cảnh chia lìa mà có.
 Thấy Thảo cứ im lặng, chú Đức làm như sực nhớ ra, lên tiếng: “Tới nơi, cháu cứ theo chú mà làm. Này, nếu như người ta giữ lại, cháu tính sao?”. “Tính gì hả chú. Nhất định là cháu không ở đâu”. “Thôi tới đó hãy hay”. Nhưng rốt cuộc, Thảo không hề phải băn khoăn từ chuyện ứng xử cho đến chuyện về hay ở khi hai chú cháu đứng trước ngôi nhà cửa khóa, chẳng có vẻ gì là nhà có tang. Sợ nhầm nhà, Thảo chạy sang hàng xóm. Bà lão khoảng bảy mươi, nhổ vội miếng nước trầu, bỏm bẻm: “Cô tìm đúng nhà rồi đó. Chú Quý vừa chở ông cụ ra bến xe, chắc cũng sắp về. Thế cô tới chơi hay có việc gì gấp? Mà xem như cô vừa từ xa tới?”. “Dạ, cháu có việc qua đây, nhân thể ghé thăm gia đình cô chú ấy. Thế mọi người trong nhà cũng đi vắng cả hả bà?”. “Bọn trẻ mấy nay cơm nước luôn bên nội. Còn cô Hòa, chồng vừa đi là cũng xách xe đi luôn. Nói cô biết vậy, chứ hôm rày, vợ chồng lục đục lắm”. “Sao thế hả bà?”. “Tôi cũng không rõ lắm. Đâu như vợ thì một hai đòi ly dị nhưng chồng thì vì thương con nên không đành. Ai khuyên cũng chẳng được. Hôm trước cô Hòa bỏ đi hai đêm không về, chú Quý kiếm không ra, lúc vợ về thì cãi nhau rồi đánh lộn. Cô ấy bù lu bù loa, chẳng biết kiếm đâu ra chai thuốc sâu đòi tự tử. Đâu như được nửa nắp chai thì chạy xuống nhà nội ăn vạ nhưng chẳng gặp ai, mấy người kế bên phải đưa đi cấp cứu. Chú Quý phải một phen điêu đứng, cực chẳng đã phải nhờ tới ông ngoại. Điện mấy lần, ông ngoại bảo bận không ra. Thế là tôi điện giúp, nói luôn là cô ấy uống thuốc sâu tự tử, ông cụ mới ra đấy. Hôm nay thấy êm êm, ông cụ đòi về”. Thì ra là vậy. Thảo như người vừa trút được gánh nặng, hỏi thăm bà lão đôi câu xã giao rồi xin phép về.
Chuyện này, trừ một lần phải kể lại cho ông nội rõ, Thảo không hề muốn nhắc lại  lần thứ hai. Thế nhưng, nó như một tì vết. Kể từ đó tới nay, mỗi khi chợt nhớ về mẹ, không hiểu sao, Thảo luôn có cảm giác bất an hay nói đúng hơn là cái cảm giác của sự khó chịu. Chúng cứ bám theo một cách kiên trì, nhẫn nại và không hiểu từ khi nào, chúng đã trở thành một phần trong hơi thở. Thực lòng cũng đã không dưới một lần, Thảo muốn thay đổi chúng, muốn biến chúng trở thành nơi đi về của những cảm giác bình yên, nếu không chí ít cũng là một sự quan tâm xuất phát từ những tò mò về cuộc sống của mẹ. Nhưng vô hiệu. Bởi mỗi lần như thế, sự khó chịu lại tăng theo cấp số nhân. Và coi như việc đã rồi, Thảo chỉ có thể làm được cái việc là xếp chúng vào góc trong cùng hơi thở, để vài ba tháng hay một năm, một đôi lần, Thảo giở ra xem, như cũng là một cách kiểm chứng tình cảm của mình.
3. Tiếng chuông điện thoại lại reo khiến Thảo giật nảy người, bứt mình ra khỏi miên man ký ức. Là Thành. Thành điện báo hết tuần sau mới về. “Để em và con yên tâm. Thứ tư giỗ ba, em cố gắng cho con về thăm bà, không nữa thì điện nói mẹ và chị Hai thông cảm giùm”. Nhanh thật, mới đó mà đã tới giỗ ông nội bé Bống. Giỗ nào, Thảo cũng chuẩn bị rất chu đáo, không bao giờ để Thành phải nhắc nhở. Giỗ này, Thảo định bàn với chồng sẽ xin mẹ và chị Hai để cùng được hương khói chứ năm nào cũng một năm hai lần bồng bế về quê, đường xá xa xôi; mà cứ sau mỗi lần về như thế, Thảo lại bị ốm, lần nào cũng khật khừ đến cả tháng.
Giờ Thành lại không về. Thảo nghĩ đến đoạn đường 500 cây số mà nản lòng. Nản lòng nhưng vẫn phải cố. Nhớ năm ngoái, thấy Thảo về quê mà chẳng đi được tới nhà ai, cứ lử khử khiến bà con chòm xóm tối nào cũng tới thăm hỏi chật nhà, bà nội bé Bống ái ngại bảo: “Vợ chồng con tính xem thế nào. Nếu mẹ nó không đủ sức khỏe thì sắp xếp năm về một lần thôi, không nữa thì vài ba năm về một lần cũng được, không ai nỡ trách đâu”. Nhưng lúc ấy, Thành gạt đi. Sau, Thành bảo: “Thương em thì mẹ nói thế chứ nếu vợ chồng mình không về, mẹ buồn lắm đấy. Mà không về thì vợ chồng mình cũng buồn. Em cũng nên xem lại sức khỏe của mình. Nói đi bác sĩ kiểm tra rồi mà thuốc bổ uống lại không nghe. Người gì mà cứ như que củi”. Thảo dạ rồi để đó, riết tới nay.
Thảo đang lưỡng lự, cân nhắc xem nên bắt đầu như thế nào để thông báo cho Thành hay về chuyện ban sáng thì Thành đã vội dập máy khiến Thảo sinh chạnh lòng. Tự nhiên, Thảo thèm được vỗ về, an ủi, thèm được âu yếm, vuốt ve, thèm những cử chỉ mà lâu rồi Thảo không được đón nhận. Tính ra, Thành đi tăng cường tới nay cũng gần hai năm. Trong hai năm, không phải là Thành không được nghỉ, không về thăm vợ con. Trái lại, lần nào về của Thành cũng là vài ngày, có khi cả tuần. Nhưng đấy lại là khoảng thời gian Thành sa vào tiệc tùng với thiên hình vạn trạng những lý do. Điều đó khiến cho chuyện vợ chồng trở thành gang tấc, ngắn ngủi và lúc nào cũng vội vàng. Mà Thảo sợ nhất là sự vội vàng. Thảo sợ hơn khi nghiệm ra rằng chính sự vội vàng của Thành đã làm Thảo mất dần những xúc cảm.
Về chuyện này, đã không biết bao nhiêu lần, Thảo muốn tâm sự với Thành nhưng cho tới nay vẫn chưa tìm được một khoảng thời gian thích hợp. Có những khi, Thảo thấy mình như người hụt hơi, chống chếnh, mệt mỏi, có cả cáu giận vô cớ. Thảo lại sinh tật thích cảm giác một mình. Những lúc như thế, Thảo hay thắc thỏm nhìn về những năm tháng đã đi qua mà ở đấy, bất cứ lúc nào, bất cứ ngõ ngách nào cũng ăm ắp hình ảnh Cường. Cường là hiện thân của những tháng ngày đẹp nhất thời sinh viên và cũng là hiện thân của chuỗi ngày vất vả gian truân sau này. Không vì những khúc mắc với Cường, có lẽ Thảo không thể biết Tây Nguyên là mảnh đất như thế nào. Và không vì sau năm năm ở Tây Nguyên không có tin tức của Cường, khi trở về thăm nhà lại đúng vào ngày Cường cưới vợ thì có lẽ chẳng bao giờ Thảo nghĩ là đời mình lại gắn bó với Thành.
Từ ngày lấy vợ, thỉnh thoảng, Cường lại gọi điện về cơ quan Thảo, bắt đầu bằng chuyện sức khỏe, việc làm, con cái, sau là những lời động viên, khích lệ và cả những mẩu chuyện về bạn bè xưa. Xen giữa những tiếng cười và những lời trầm ấm của Cường là những khoảng lặng. Chúng nhiều hơn khi câu chuyện vô tình chạm tới, gợi nên những hình ảnh lẽ ra đã được xếp vào ký ức từ lâu - những hình ảnh một thời là nỗi nhớ, là niềm tự hào của Thảo. Bởi vậy, Thảo luôn nhận điện với một thái độ dè dặt nhưng sau đó, Thảo lại trách sao mặt mình khi đó lại đỏ, sao tim mình lúc đó lại rộn ràng và sao hơi thở mình khi đó lại dồn dập như thế. Bụng bảo dạ rằng sẽ hạn chế những cuộc điện thoại của Cường bằng những lý do khác nhau nhưng chưa khi nào Thảo làm được như thế.
Trái lại, hình như Thảo lại có ý như chờ đợi, như mong mỏi khiến cho biết bao nhiêu ngôn từ dành để ngụy biện được nảy sinh. Vừa mới sáng sớm nay thôi, khi Thảo vừa nghe xong điện của chú Đức thì Cường đã gọi điện báo một hai ngày đến, nếu như điều kiện của chuyến công tác cho phép, có thể Cường sẽ tới thăm Thảo và gia đình, lại nhờ Thảo làm hướng dẫn viên du lịch. Thảo chẳng tỏ thái độ gì bởi lúc ấy trong đầu chỉ quẩn quanh nghĩ về những lời của chú Đức: “Chuyện lần này là thật đấy. Mẹ cháu đã được đưa về nhà ông ngoại rồi. Chú đang gọi điện ở cách đấy không xa. Cháu tính xem như thế nào. Còn theo chú thì cháu nên về. Âu cũng là cái lẽ ở đời”. Còn Thảo, Thảo chẳng biết liệu đó có phải là cái lẽ ở đời hay không?
4. Thảo nhìn đồng hồ: Thế mà đã mười hai giờ hơn. Có lẽ là phải gọi điện về nhà Phương để xin nghỉ buổi chiều. Còn chần chừ thì chuông lại reo. Lại phải nghe điện. Thảo lắc đầu, mệt mỏi. Thì ra là Phương. Thôi cũng được. Nhấc máy là Thảo xin nghỉ ngay. Phương im lặng một lúc rồi bảo: “Mình chờ điện thoại của cậu từ sáng đến giờ đấy. Này, hay là đầu giờ chiều cậu tới một chút để bàn giao việc cho cái Ngân rồi hãy nghỉ. Con bé ấy phải cầm tay chỉ việc cụ thể chứ không nói chung chung được đâu. Cứ nghỉ hết phép luôn. Chuyện giấy tờ, chỉ cần báo anh Hưng rồi để mình lo, gửi về sau. Còn tiền nong, cần bao nhiêu thì nói qua mình một tiếng. Mà cậu học đâu cái thói ậm ậm ờ ờ, rồi lại tỏ ra ngạc nhiên như thế. Ban sáng bà nội gọi nói cho mình cả rồi. Thôi, chờ mình xuống rồi hãy về. Trưa nay, mình về nhà cậu”.
Thế là cả buổi trưa, Thảo chẳng được nghỉ ngơi. Không hiểu sao, làm bạn với nhau bấy nhiêu năm mà bây giờ Thảo mới nhận thấy Phương có khả năng nói nhiều đến như thế. Hết nói chuyện với Thảo, Phương lại quay sang ôm chiếc máy điện thoại, lúc to, lúc nhỏ. Đầu giờ chiều tới cơ quan bàn giao việc cho Ngân, lúc xong xuôi, ngẩng lên thì đã tới giờ đón bé Bống. Phần còn lại là cơm nước, giặt giũ và lại nghe điện thoại, người mở đầu là Phương, rồi Thành, chú Đức, bà nội. Lại có cả những cuộc điện, Thảo không nhận được ra là ai, phải xưng tên rồi mới à ừ xin thông cảm vì lâu rồi không liên lạc. Ai cũng nói nhiều, nhiều nhất là Thành. Thảo im lặng lắng nghe, im lặng đến độ ai cũng hỏi xem Thảo có còn nghe không đấy. Chỉ có bé Bống là vui mừng ra mặt vì được a lô nhiều, lần nào chuông reo cũng lanh chanh nhấc máy rồi hí hửng khoe mẹ nói con ngoan, mẹ sẽ cho về quê.
Nhìn bé Bống, Thảo bất giác mỉm cười, chợt nghĩ về mình hồi bé - cái hồi mà đêm đêm, nằm ôm cái tí nhăn nheo của bà nội mà khấp khởi mừng thầm vì ngày hôm sau được theo bà đi chợ. Rồi tới khi không đi còn theo bà nữa thì cũng vẫn khấp khởi chờ mong bà về bởi biết rằng, dưới cái thúng đầy ắp những rau dưa mà bà đội trên đầu kia là cả một thế giới của tình yêu thương và của những ước mơ. Thế giới ấy, khi là nắm xôi, trái cam chín mọng, khi lại là những quả bóng bay hay những con tò he rực rỡ sắc màu. Và nhiều hơn cả là những mẩu giấy màu để cho cả tiếng đồng hồ sau đó, Thảo chăm chú bên ông nội, say sưa nhìn ông gấp những cánh buồm, cánh hạc.
Ông nội dạy rằng: Nếu Thảo chăm ngoan, học giỏi, khi lớn, những cánh buồm sẽ giúp Thảo thực hiện được những ước nguyện. Còn những cánh hạc sẽ là những điểm tựa, tiếp thêm sức mạnh cho Thảo vươn lên. Bây giờ, những cánh buồm, cánh hạc ấy vẫn còn được treo ở buồng bà - căn buồng đã chứng kiến sự trưởng thành của Thảo, căn buồng mà ở đó, Thảo hiểu được như thế nào là đắng cay, buồn tủi, là mất mát khi được nghe, được thấy những giọt nước mắt của cả ông lẫn bà, đặc biệt là của ông mỗi lần hai người nói về người con trai duy nhất là bố của Thảo. Chú Đức bảo, bà vẫn thường xuyên nhờ cô Hằng mua giùm giấy màu để ông gấp, thay những cánh buồm, cánh hạc đã quá cũ. Còn mỗi lần nhớ Thảo, ông lại hay nhìn chúng mà thở dài và bà lại tìm cái khăn lau mắt.
Còn Thảo, mỗi lần nghe chú Đức kể chuyện thì trong lòng Thảo, những lời khấn của ông trong lần giỗ đầu bố, ấy là dù Thảo không là con trai như ông mong muốn thì đời này, kiếp này cũng không bao giờ để Thảo phải khổ, sẽ thay con nuôi cháu nên người... lại nhói lên. Rồi thế nào, Thảo cũng vừa đưa tay quệt ngang mặt vừa nói những lời mà bất cứ trong câu chuyện nào với chú, kể cả trực tiếp hay qua điện thoại, Thảo cũng nói: “ Bố cháu thì đã yên phận rồi, chẳng giúp gì được cho ông. Cháu cũng vậy thôi. Trăm sự bây giờ đều nhờ cả vào chú. Thực là may mắn khi ông bà lại có được chú là rể...”.
Chẳng hiểu từ đâu, nước mắt Thảo cứ trào ra. Bé Bống ngơ ngác chạy lại, thấy mẹ khóc cũng òa khóc theo. Ôm con vào lòng, Thảo cười, thủ thỉ: Mẹ không sao cả. Thôi, con đi ngủ đi để sớm mai có sức về quê ngoại. Cố đang mong hai mẹ con mình lắm đấy...
V.T.H








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét